Xu hướng dịch chuyển nền kinh tế sau đánh giá lại GDP

17/12/2019 15:18 Tăng trưởng xanh
Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chính thức công bố kết quả đánh giá lại GDP giai đoạn 2010-2017. Đây là những thông tin kinh tế rất được quan tâm, chờ đợi kể từ khi cơ quan thống kê cho biết đã tính toán lại quy mô GDP. 
Cách tính GDP mới là công khai, minh bạch theo đúng quy định quốc tế
xu huong dich chuyen nen kinh te sau danh gia lai gdp
Toàn cảnh buổi họp báo.

Tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm nông nghiệp

Theo công bố, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,45%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó năm 2011 có tỉ lệ tăng cao nhất là 27,3% và năm 2015 có tỉ lệ tăng thấp nhất là 23,8%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6,294 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,3 triệu tỷ đồng so với số đã công bố trước đây (5,006 triệu tỷ đồng).

Cơ cấu GDP, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, đã "phản ánh rõ hơn xu hướng dịch chuyển của nền kinh tế". Trong đó, đóng góp của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 17,4% GDP xuống 14,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 33% lên 34,8% GDP; còn dịch vụ tăng từ 39,2% lên 41,2% GDP.

Do mức độ tăng đồng đều giữa các năm nên tốc độ tăng GDP hàng năm không có biến động lớn so với số đã công bố. Mỗi năm tốc độ tăng trưởng GDP sau khi đánh giá lại tăng từ 0,13 đến 0,48 điểm phần trăm.

Quy mô nền kinh tế thay đổi, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng có sự điều chỉnh. Cụ thể, tích luỹ tài sản bình quân mỗi năm tăng 28,98%; tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư thay đổi đáng kể, bình quân tăng 26,37%/năm; tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân mỗi năm tăng 26,6%. GDP bình quân đầu người tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm, tương ứng 25,6%; năm 2017 đạt 66,8 triệu đồng, tương đương 2.985 USD; tỉ lệ vốn đầu tư so với GDP bình quân mỗi năm khoảng 33,3%/năm, tăng thêm 0,7 điểm phần trăm; tỷ lệ nợ công so với GDP đến cuối năm 2017 giảm xuống còn 48,8%; tỷ lệ bội chi ngân sách còn 2,8%; tỷ lệ chi ngân sách so với GDP còn 21,5%...

Đánh giá lại GDP thường xuyên, minh bạch

Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Thống kê khẳng định, kết quả của việc đánh giá lại chủ yếu để phản ánh đúng bức tranh, hiện trạng của nền kinh tế để xây dựng các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm tiếp theo 2021-2030. Việc đánh giá lại sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan chính sách có cái nhìn thực chất hơn về nền kinh tế, nhằm đưa ra các chính sách phù hợp hơn trong tương lai; đồng thời sẽ giúp mang lại các chính sách đúng và người dân sẽ được hưởng lợi từ điều đó.

Còn ông Kamal Malhotra - điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh GDP chỉ là bước thực hiện đầu tiên, các bước tiếp theo là phải đảm bảo sự thống nhất theo các năm, để đưa ra các báo cáo tính GDP chất lượng. Quy mô GDP không chỉ giúp Chính phủ quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả hơn mà còn giúp doanh nghiệp, người kinh doanh có chính sách, chiến lược trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc điều chỉnh GDP cần được thực hiện thường xuyên, minh bạch để tránh có những thay đổi quá lớn về số liệu và có sự phối hợp với các tổ chức quốc tế để đảm bảo các tiêu chuẩn, minh bạch.

xu huong dich chuyen nen kinh te sau danh gia lai gdp
Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Nhóm các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay chuyên gia thống kê Liên Hợp Quốc đều có ý kiến rằng, việc đánh giá lại quy mô GDP hoàn toàn phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế. Hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italy, Croatia, Indonesia... đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP, các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan và công bố kết quả đánh giá lại.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định việc tính toán lại GDP là cần thiết và dữ liệu này chỉ áp dụng sau năm 2020 chứ không đưa vào các báo cáo gửi Quốc hội, văn kiện Đảng.
Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động