Báo động tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

13/02/2020 21:38 Tăng trưởng xanh
Tình trạng xâm nhập mặn ở nhiều tình đồng bằng sông Cửu Long đã đến mức báo động, có thể ở mức tương đương, hoặc cao hơn cùng kỳ đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2016, do đó cần phải có giải pháp cấp bách.
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể đến sớm
bao dong tinh trang xam nhap man o dong bang song cuu long
Nhiều nơi ở ĐBSCL bị thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: XC

UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Quyết định yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tích cực khẩn trương vào cuộc thực hiện ngay các giải pháp phòng chống, ứng phó tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, tại các cửa sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông độ mặn đo được dao động từ 25 - 30‰. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập vào đất liền cách cửa sông khoảng 48-68km, độ mặn 1‰ xâm nhập vào đất liền cách cửa sông từ 63-83km. Hiện tình trạng mặn xâm nhập ở tỉnh này đang ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 2.

Còn tại Bạc Liêu, mực nước vùng ngọt đang ở cao trình +0,25m (thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 0,1m). Trong khi đó, triều cường từ biển đổ vào dự báo vẫn ở mức cao từ 2,20 - 2,30m (mức báo động III ở trạm Gành Hào là 2,0m). Từ thực trạng trên cho thấy, Bạc Liêu không chỉ đương đầu với tình trạng thiếu nước ngọt do hạn gây ra, mà còn phải ứng phó với triều cường, xâm nhập mặn. Trên thực tế, bước sang tháng 2/2020 hạn, mặn đã bắt đầu xuất hiện, nhiều nơi nông dân đã và đang phải đương đầu.

UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định thực hiện Kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, UBND tỉnh chọn Kịch bản tương đương đợt mặn lịch sử năm 2016. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với hạn mặn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa trình UBND tỉnh xem xét cho tạm ứng kinh phí 11,2 tỉ đồng để đắp hơn 450 con đập, hỗ trợ bơm tát và kinh phí tập huấn cho nông dân chống chọi trước cơn hạn mặn.

Tình hình xâm nhập mặn tại Sóc Trăng cũng đến sớm hơn khoảng 1 tháng, độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm, xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng khoảng 40-55km, tăng 10-15km so với năm 2016. Từ cuối tháng 11 năm 2019 đến nay, các vùng dự án như Long Phú - Tiếp Nhật đã gặp khó khăn trong việc lấy nước ngọt bổ sung cho sản xuất và sinh hoạt, trong khi nước trong các kênh đã bị cạn. Trước tình hình đó, tỉnh chủ động tăng cường công tác dự báo, quan trắc môi trường, vận hành đóng, mở các cống không để mặn xâm nhập nội đồng.Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc vận hành cống, tranh thủ lấy nước vào hệ thống kênh nội đồng nhằm đảm bảo đủ nước cho ghe tàu vận chuyển, mua lúa của nông dân thuận lợi.

Tại Long An, từ giữa tháng 11/2019, tình trạng xâm nhập mặn đã bắt đầu xuất hiện và nhập sâu vào hệ thống 2 sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Thời gian xuất hiện mặn sớm hơn gần 1 tháng so với cùng kỳ năm 2018 - 2019 và sớm hơn nửa tháng so với cùng kỳ năm 2015 - 2016. Tính đến cuối tháng 1/2020, độ mặn trên các sông trong tỉnh (sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra) dao động ở mức từ 0,9 - 16,7g/l.

Nồng độ mặn trong nước ở tỉnh Hậu Giang cũng tăng và duy trì ở mức cao. Kết quả kiểm tra vào ngày 4/2 cho thấy, tại cống Kênh Lầu độ mặn đạt mức 5,6‰, ở cống Ba Cô độ mặn đạt mức 3,1‰. Ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân cần chuẩn bị các vật dụng chứa nước sinh hoạt; gia cố đê bao, nạo vét ao, mương nhằm chủ động trong sinh hoạt và sản xuất.

Thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau cũng cho thấy, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng đến hàng chục ngàn héc ta đất canh tác, trong đó đa số là lúa, tôm. UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp, đảm bảo sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả…
Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động