Bế tắc tại dự án nhiệt điện Long Phú hơn 41.000 tỉ đồng của PVN
Dự kiến phát điện vào năm 2015 nhưng đến nay nhiệt điện Long Phú mới đạt tiến độ 77,5%. |
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 7/11, đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh liên quan đến dự án Nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), một dự án quan trọng trong Tổng sơ đồ điện VII dự kiến phát điện vào năm 2015 nhưng đến nay mới đạt tiến độ 77,5%. Đến thời điểm này, dự án cũng đã đội vốn lên trên 41.000 tỉ đồng trong khi vốn dự kiến ban đầu là 29.500 tỉ đồng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay, tổng thầu của dự án này là nhà thầu Power Machines (PM) của Nga và đã được triển khai thực hiện. Tính đến nay tiến độ của dự án đã đạt được khoảng 77,5%. Tuy nhiên, thời gian mới đây có một số vấn đề phát sinh liên quan đến dự án Nhiệt điện Long Phú, đó là chuyện nhà thầu này nằm vào danh sách của phía Chính phủ Mỹ công bố cấm vận và không cho phép tham gia thực hiện các hoạt động giao dịch quốc tế, trong đó có những hoạt động sử dụng đồng đôla Mỹ cũng như các hoạt động liên quan đến các nhà thầu của Mỹ.
Chính vì vậy, các nhà thầu phụ của Mỹ không có điều kiện để tiếp thực hiện dự án này với nhà thầu PM của Nga cũng như các cơ chế thanh toán đang bị ngăn chặn.
"Trong suốt gần hai năm qua Chính phủ và các bộ, ngành tập trung để thúc đẩy tiến độ và tìm ra giải pháp để giải quyết. Tuy nhiên, đến hiện nay với câu chuyện bị cấm vận như thế này thì năng lực của tổng thầu không còn đủ điều kiện để thực hiện. Vì vậy, chúng ta đang tính đến những phương án có thể tiếp quản lại dự án và có thể có Tổng thầu mới hoặc của trong nước hoặc đối tác khác để chúng ta thực hiện. Nhưng đây là vấn đề phức tạp" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong khi đang đàm phán giữa chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) với nhà thầu PM chưa quyết được vấn đề. Hiện nay tổng thầu này đã trình hồ sơ và kiện ra Tòa án quốc tế, lấy trọng tài Singapore. Các phương án để xử lý các vướng mắc của dự án này, Chính phủ vẫn đang chỉ đạo tiếp tục phối hợp, không còn chỉ giới hạn ở trong phạm vi của chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia mà phải có những cơ chế của liên Chính phủ giữa Chính phủ Nga và Chính phủ Việt Nam để tiếp tục xử lý.
Chính phủ đang chỉ đạo cho các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tìm ra giải pháp để đảm bảo triển khai dự án này đạt hiệu quả chung, cũng như đóng góp cho việc cân đối điện trong thời gian tới.
Về trách nhiệm của Bộ Công Thương, chúng tôi với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã có sự chỉ đạo và thực hiện những chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, đôn đốc và phối hợp cùng với các bộ như Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai liên tục trong thời gian vừa qua các hoạt động với chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí và làm việc với phía Chính phủ Nga rất nhiều, trong nhiều cơ chế và nhiều diễn đàn. Sắp tới sẽ có những chỉ đạo cụ thể hơn nữa của Chính phủ để chúng ta tiếp tục giải quyết vướng mắc" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm.
Liên quan đến dự án này, trước đó, PVN cũng đã có đề nghị Chính phủ “giải cứu” dự án. Cụ thể, PVN kiến nghị Chính phủ cho phép được sử dụng vốn chủ sở hữu vượt 30% giá trị tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh đã trình Bộ Công Thương để tiếp tục triển khai các hạng mục đang thi công dở dang của dự án đến các điểm dừng kỹ thuật và thực hiện công tác bảo dưỡng, bảo quản cho vật tư, thiết bị/hạng mục công việc nhằm đảm bảo chất lượng công trình.
"Cho phép Hội đồng thành viên tập đoàn được áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay công tác bảo quản, bảo dưỡng cho vật tư, thiết bị/hạng mục công việc của dự án theo đơn giá, định mức" - văn bản của PVN nêu.