Bộ Tài chính bàn giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân
Nhiều bộ, địa phương giải ngân vốn đầu tư chậm tiến độ Ngân hàng NCB "ngồi trên giời" giải ngân khiến nhà đầu tư khóc ròng? Giải ngân hơn 1.500 tỷ đồng để bảo vệ gần 6 triệu héc ta rừng |
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Tỉ lệ giải ngân quá thấp
Hội nghị có sự tham gia của 5 bộ có kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi lớn nhất là: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế và các cơ quan, các ban quản lý dự án sử dụng vốn ODA vay ưu đãi ở 63 tỉnh, thành phố. Hội nghị nhằm tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ tình hình giải ngân vốn, làm rõ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn đánh giá, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong một số năm gần đây và năm 2019 rất chậm. Theo số liệu thống kê, trong ba năm 2016-2018, tổng số vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là 137.176 tỉ đồng, đạt 74,53% dự toán được Quốc hội giao. "Tốc độ giải ngân như thế này là rất chậm" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân.
Cụ thể, cuối tháng 6/2019, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, các nhà tài trợ để đánh giá tình hình, làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp thực hiện. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có văn bản số 8270/BTC-QLN ngày 8/7/2019 báo cáo về tình hình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài sáu tháng đầu năm, kiến nghị các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Cùng với các đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 2/8/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2019 là 6.286,316 tỉ đồng, đạt 37,92% so kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39 so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, cập nhật đến ngày 31/8/2019 mới giải ngân được 6.480 tỉ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao (60.000 tỉ đồng) và 15,7% kế hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo (40.735 tỉ đồng). Chi thường xuyên từ nguồn vốn nước ngoài 8 tháng đầu năm đạt 862 tỉ đồng, bằng 8,5% dự toán Quốc hội phê duyệt. Trong đó có 35 bộ, ngành, địa phương từ đầu năm 2019 đến nay chưa có giải ngân; nhiều bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân rất thấp, như: Bộ Y tế (4,8%), tỉnh Quảng Ninh (0,5%), Quảng Nam (2,3%), Hưng Yên (8,3%).
Vướng mắc ở nhiều khâu, cần xử lý linh hoạt hơn
Trao đổi với các bộ, ngành, địa phương về nguyên nhân chậm trễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, vướng mắc chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề như khâu giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu; phân bổ vốn chưa sát với thực tế; điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài; tính sẵn sàng của các dự án đầu tư thấp, hoàn thành thủ tục đầu tư chậm, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng; chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi.
Thực tế tình hình hiện nay đòi hỏi phải có các biện pháp quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nói riêng; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1042/CĐ-TTg về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 được ban hành ngày 21/8/2019 vừa qua.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo có tỉ lệ giải ngân chậm, mới đạt 25% kế hoạch do thiếu vốn đối ứng. Thực tế, vốn ODA đưa về cũng không giải ngân được vì không có vốn đối ứng; do đó cứ làm được một vài tháng lại nằm chờ vốn.
Bên cạnh đó, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời hạn giao vốn rất chậm, thường là từ tháng 1 đến tháng 3 chỉ là làm kế hoạch và đến quý III mới giải ngân vốn ODA. Mặt khác, các thủ tục thẩm định về thiết kế dự án cơ sở và thiết kế dự án thi công mất hơn 1 năm mới xong. Dự án nào nhanh cũng phải mất nhiều thời gian, có gói thầu thiết bị từ khi mời thầu đến khi giải ngân mất cả năm.
Đại diện một địa phương, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nêu dẫn chứng cụ thể: Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, năm 2019 kế hoạch giao 3.274 tỉ đồng, tuy nhiên đến cuối tháng 8 mới giao được 1.104 tỉ đồng, đạt 34% kế hoạch.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài, ông Ngô Văn Quý đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét sớm có văn bản báo cáo lãnh đạo Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế giải ngân các dự án ODA của Thành phố theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, một nguyên nhân chính là tính sẵn sàng của các dự án đầu tư, ví dụ điều chỉnh kế hoạch vốn, tăng tổng mức đầu tư, triển khai theo trình tự thủ tục... lâu. Hơn nữa, nhiều dự án gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Khâu tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng với các nhà thầu cũng vướng mắc, có trường hợp dự án được ghi kế hoạch, giao vốn nhưng lại không đủ điều kiện giải ngân rút vốn.
Ngược lại, có những chương trình dự án không được ghi đủ kế hoạch vốn, điều này đòi hỏi trách nhiệm các bộ, ngành địa phương, các ban quản lý dự án quan tâm quyết liệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc…
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng yêu cầu giải quyết các nội dung vướng mắc khác liên quan đến vấn đề vay vốn về cho vay lại tại các địa phương. "Các đơn vị như Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Kho bạc Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương cập nhật số liệu công khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để các bộ ngành, địa phương thấy rõ được số liệu, nâng cao trách nhiệm giải ngân" - Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.