Các thể chế liên quan quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Chính sách quản lý chất thải rắn sinh hoạt |
Vai trò và trách nhiệm của các Bộ, ngành
Theo Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý về hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý CTR thông thường tại đô thị. Cụ thể: Xây dựng các chiến lược, chương trình, chỉ tiêu quốc gia về quản lý CTR thông thường; chỉ đạo việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch quản lý CTR; các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư quản lý CTR; ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về quản lý CTR thông thường theo thẩm quyền; tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch quản lý CTR vùng liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm;
Chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt; thẩm định quy hoạch quản lý CTR các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có ý kiến thống nhất bằng văn bản để UBND các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại I phê duyệt quy hoạch quản lý CTR của thành phố; hướng dẫn, kiểm tra việc lập và quản lý quy hoạch xây dựng các cơ sở xử lý CTR, phương pháp lập và quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTR vùng liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị. |
Theo Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04/3/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành trong việc quản lý CTR theo quy định của pháp luật.
Theo quyết định của Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng Cục môi trường) có trách nhiệm điều tra, thống kê, dự báo và lập quy hoạch về chất thải thông thường trên phạm vi cả nước; điều tra, thống kê các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về chất thải thông thường; xây dựng, chỉ đạo và tổ chức triển khai các chương trình, đề án, dự án về chất thải thông thường, bao gồm: Phân loại chất thải tại nguồn, phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát hoặc xây dựng mới và hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về quản lý chất thải thông thường.
Theo Nghị định số ngày 23/12/2013, Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính (Bao gồm: Ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí…); quản lý tài chính, tài sản của nhà nước trong quản lý CTR sinh hoạt trong đô thị. Cùng với Bộ Kế hoạch - Đầu tư phân bố ngân sách nhà nước cho các hoạt động quản lý CTR sinh hoạt trong đô thị, trực tiếp phân bổ vốn cho các dự án quản lý CTR cho UBND tỉnh.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển, ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển để thu hút đầu tư của khối tư nhân và phân bổ ngân sách nhà nước; cùng với Bộ Tài chính xem xét cấp vốn cho các Bộ ngành và địa phương thực hiện kế hoạch.
Cấp tỉnh, quận, huyện
Theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND số 11/2003/QH11 ban hành năm 2003, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm ban hành quy định, quyết định thực hiện các chính sách, pháp luật của Trung ương và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trách nhiệm này bao gồm nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn trong ngắn hạn và dài hạn, lập dự toán ngân sách nhà nước, bổ sung ngân sách, xây dựng cơ cấu phí, lệ phí, phân quyền quản lý cơ sở hạn tầng, sở hữu tài sản công. UBND tỉnh giám sát việc thực hiện các hoạt động này trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả quản lý CTR sinh hoạt và chỉ định giám đốc và phó giám đốc các sở.
Theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP quy định trách nhiệm các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, thành phố. UBND tỉnh chịu trách nhiệm thành lập các sở chuyên môn theo điều kiện của địa phương và tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với các cơ quan đặt ở địa phương. Các sở này chịu trách nhiệm quản lý nhà nước khi trình UBND tỉnh dự thảo quyết định, chỉ thị, kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định chức năng của các chi cục trực thuộc.
Các sở quản lý CTR sinh hoạt trong đô thị: Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính.
Các tỉnh và các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ …ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng thực hiện quản lý chất thải rắn thông thường và Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật (trừ Sở Xây dựng Hà Nội - phòng Môi trường và Công trình ngầm) thực hiện nhiệm vụ.
Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng: UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.
Cấp thành phố, thị xã (thuộc tỉnh), quận
Nghị định số 14/2008/NĐ-CP và Nghị định số 12/2010/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều trong Nghị định số 14/2008/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Nhiệm vụ quản lý nhà nước của các phòng chuyên môn có trách nhiệm giống như trách nhiệm của các sở chuyên ngành. Phòng kinh tế và hạ tầng chịu trách nhiệm quản lý chất thải rắn. Ở các thị xã, thành phố, phòng quản lý đô thị chịu trách nhiệm chung về hạ tầng đô thị bao gồm cả hạ tầng nước thải và chất thải rắn. Ở các thị xã, thành phố, phòng quản lý đô thị chịu trách nhiệm chung về hạ tầng đô thị bao gồm cả hạ tầng nước thải và chất thải rắn. Các phòng khác có liên quan là phòng Tài nguyên môi trường, phòng Tài chính - Kế hoạch.