Chăm sóc sức khoẻ tinh thần để học sinh phát triển cân bằng và toàn diện

09/12/2023 09:00 Nghiên cứu trong nước
Ngày 8/12/2023,tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ bảo vệ người tiêu dùng tổ chức Hội thảo “Giải pháp chăm sóc sức khoẻ tinh thần để học sinh phát triển cân bằng và toàn diện”.
Chăm sóc sức khoẻ tinh thần để học sinh phát triển cân bằng và toàn diện
Ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Khoá XIII với tham luận Chiến lược quốc gia chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học sinh đang gia tăng nhanh chóng như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử, vấn đề “Hysteria tập thể”, các rối loạn dạng cơ thể ... Trên Thế giới có khoảng 10-20% trẻ em và thanh thiếu niên bị các rối loạn tâm thần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tự tử (800.000 ca tự tử/năm). Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 - 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.

Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. Tỉ lệ các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8-29% đối với trẻ em và vị thành niên theo Báo cáo tóm tắt Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam của Unicef. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Các rối loạn tâm thần là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở thanh thiếu niên. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng đến sự phát triển thể chất, học tập và sinh hoạt.

Vấn đề sức khỏe học đường hiện nay là một trong những mối lo ngại của nhiều phụ huynh. Để phòng tránh và hạn chế ảnh hưởng của bệnh học đường tới sức khỏe và công việc học tập của học sinh, nhiều chương trình chăm lo sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ em được đưa ra.

Chăm sóc sức khoẻ tinh thần để học sinh phát triển cân bằng và toàn diện
TS. Lê Quỳnh Nga - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ các giải pháp nâng cao sức khoẻ tinh thần học đường cho học sinh

Theo ông Lê Như Tiến – Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Khoá XIII cho biết, từ việc phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về trẻ em, Việt Nam trở thành một quốc gia có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đến việc Quốc hội thông qua Luật trẻ em, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và thành lập Uỷ ban Quốc gia về trẻ em… đó chính là tầm nhìn và chiến lược về Quyền trẻ em của Việt Nam.

Tại Hội thảo, TS. Lê Quỳnh Nga - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ các giải pháp nâng cao sức khoẻ tinh thần học đường cho học sinh như: Tầm quan trọng của hoạt động tư vấn tâm lý học đường; Hỗ trợ học sinh giải quyết các khó khăn gặp phải một cách kịp thời và hiệu quả; Tạo ra sự cân bằng trong tâm lý, góp phần thúc đẩy việc học tập và phát triển của các em;…Cha mẹ cần rèn kỹ năng lập kế hoạch, quản lý thời gian, ra quyết định, giải quyết các vấn đề, lắng nghe, kiểm soát cảm xúc, ứng phó căng thẳng và có sự hỗ trợ để cảm giác được an toàn và phát triển.

Trước thách thức ngày càng nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần của trẻ, chúng ta cần hành động từ mọi thành phần trong xã hội. Bằng cách chia sẻ những mô hình trải nghiệm tích cực, chúng ta có thể nhân rộng, phát triển sâu rộng các hoạt động trải nghiệm và mang lại ảnh hưởng tích cực cho sức khỏe tinh thần của thế hệ trẻ, đồng thời giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

Chính sự đồng hành của cha mẹ, gia đình, nhà trường và xã hội sẽ giúp thay đổi tích cực về mặt sức khỏe của con em mình, từ đó có nhiều kĩ năng tốt để giúp các em có một đời sống tinh thần khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động