Đảng bộ xã Đa Lộc: Nâng cao vai trò lãnh đạo phát triển kinh tế
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa hướng đến mục tiêu phát triển bền vững |
Thực hiện Chủ trương, Nghị quyết của tỉnh Thanh Hóa, huyện Hậu Lộc với những cách làm sáng tạo, đúng đắn, trong nhiều năm qua nền kinh tế của xã Đa Lộc đã có bước chuyển mình. Chăn nuôi phát triển mạnh, đến nay, toàn xã đã có 16 trang trại, các trang trại đều đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn với tổng số lượng gia súc, gia cầm hơn 141.000 con, trong đó đàn trâu, bò bình quân hằng năm 667 con, đàn lợn 9.000 con, đàn gia thủy cầm là 132.000 con. Hàng năm, xã đều thực hiện tốt công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại cho đàn vật nuôi nên đã hạn chế được dịch bệnh. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 24,27%.
Xã Đa Lộc phát triển mô hình nuôi tôm (ảnh minh họa). |
Về khai thác, nuôi trồng hải sản cũng phát triển hiệu quả, toàn xã hiện có 75 phương tiện khai thác biển với tổng công suất 1.566 CV, sản lượng khai thác năm 2019 đạt 407 tấn, tăng 27,63% về giá trị so với năm 2015. Có 484 ha đất nuôi trồng thủy sản, trong đó: nuôi nước mặn 214 ha, nuôi nước lợ 230 ha, nuôi nước ngọt 40 ha với loại hình nuôi phong phú khi áp dụng nuôi tôm công nghệ cao. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng nhanh, trong năm 2019, ước đạt 3.277 tấn. Tỷ trọng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản trong cơ cấu sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 50,61%. Không những vậy, trong 5 năm qua, Đa Lộc đã trồng mới và chăm sóc được 235 ha rừng ngập mặn, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn lên 452 ha.
Chắn sóng hiệu quả khi thực hiện trồng rừng ngập mặn (ảnh minh họa) |
Ngoài ra, các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại của xã cũng phát triển khá đa dạng. Toàn xã có 323 hộ kinh doanh, buôn bán; 2 hợp tác xã, 11 doanh nghiệp, thu hút và tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Giá trị sản xuất năm 2019 đạt 30,864 tỷ đồng, tăng 5,35 lần so với năm 2015. Dịch vụ vận tải phát triển, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại của nhân dân.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Văn Đỉnh – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đa Lộc ngày càng thay đổi là nhờ vào Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong xã đã đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, anh hùng và tiềm năng, lợi thế của địa phương, chủ động, sáng tạo vượt qua những khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa”.
Để phát triển kinh tế địa phương có lẽ một phần cũng nhờ vào hệ thống giao thông thủy lợi được xã đầu tư xây dựng và hoàn thiện. Các trục giao thông chính được bê tông hóa và nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất, đi lại trong nhân dân. Đến nay, Đa Lộc đã bê tông hóa được 21 km đường giao thông nội thôn và nội đồng. Tỷ lệ bê tông hóa đường giao thông liên thôn đạt trên 95 %, cứng hóa đường giao thông chính nội đồng đạt trên 75%; xây dựng mới 3,2 km mương tưới; đào đắp, nạo vét 44.453m3 đất đảm bảo cho việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất.
Hệ thống đường giao thông được bê tông hóa (ảnh minh họa) |
Tiếp tục phấn đấu, phát huy vai trò của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân địa phương, Đa Lộc đã đưa ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2020 – 2025 là nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; Phát huy dân chủ, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; huy động tối đa nội lực, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, tập trung phát triển kinh tế xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; chăm lo đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, nỗ lực phấn đấu, xây dựng Đa Lộc ngày càng trở nên giàu mạnh với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”. Mục tiêu xây dựng thành công xã nông thôn mới, một vùng quê kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp, người dân sống thân thiện, mến khách.