Điện lực Hải Dương thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường
Công ty Điện lực Bắc Ninh: Chiến lược tiết kiệm điện năng để bảo vệ môi trường |
Chất thải nguy hại khi sửa chữa, lắp ráp máy biến áp đều được thu gom đúng quy định. |
Để bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, trong nhiều năm qua, Điện lực Hải Dương đã hoàn thiện thủ tục bảo vệ môi trường cho hệ thống lưới điện đang vận hành. Công ty đã xây dựng 3 đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho các đường dây 110 kV; 11 đề án bảo vệ môi trường cho 11 trạm biến áp 110 kV và Xí nghiệp sửa chữa thiết bị điện; 12 đề án bảo vệ môi trường cho đường dây trung thế, hạ thế và trạm biến áp của 12 huyện, thành phố, thị xã trực thuộc.
Từ năm 2014 trở lại đây, công ty triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình điện, tất cả các công trình đều có hồ sơ môi trường, lập cam kết bảo vệ môi trường. Thực hiện quy định tại Thông tư 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016, của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lập phương án bảo vệ môi trường với các công trình điện, Điện lực Hải Dương đã lập phương án bảo vệ môi trường cho các hạng mục công trình thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chất thải nguy hại được lữu trữ tạm thời tại kho trước khi đưa đi xử lý. |
Theo định kỳ, với các công trình phải có báo cáo ĐTM được UBND tỉnh phê duyệt, Điện lực Hải Dương thực hiện quan trắc, giám sát môi trường nước thải 3 tháng/lần; quan trắc môi trường không khí xung quanh 6 tháng/lần với 11 trạm biến áp 110 kV. Các thông số giám sát khí hậu, môi trường không khí, nước thải đều đạt và vượt so với yêu cầu.
Với các đề án bảo vệ môi trường đơn giản do UBND cấp huyện phê duyệt, điện lực thực hiện quan trắc, giám sát môi trường 6 tháng/lần ở 12 nhà điều hành điện lực và 1 nhà kho.
Về nguồn nước thải, lượng nước sử sụng theo mùa, theo vị trí của từng đơn vị. Trung bình mỗi đơn vị có 2,5 m3 nước thải/ngày, chủ yếu là nước thải sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên. Nước thải sinh hoạt đều được xử lý qua bể tự hoại sau đó đưa vào hệ thống nước thải khu vực. Kết quả phân tích nước thải đều đạt quy chuẩn cho phép (mức B theo QCVN 14:2008/BTNMT).
Trong công tác quản lý chất thải rắn, các chất thải sinh hoạt được đội ngũ môi trường thu gom, vận chuyển về nơi xử lý chung. Các loại chất thải công nghiệp, trung bình 500 kg/tháng, công ty thuê đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý theo quy định.
Với chất thải nguy hại rắn và lỏng (bao gồm giẻ lau dầu mỡ, bìa và giấy cách điện, bao bì nhiễm chất thải nguy hại, bóng đèn huỳnh quang, pin, ắc quy thải, hộp mực in thải, linh kiện có vi mạch điện tử thải, dầu thải), điện lực phân loại theo từng mã chất thải nguy hại và được chứa tại kho lưu giữ chất thải nguy hại tạm thời. Trung bình rác thải nguy hại có khối lượng 1.000 kg/tháng. Điện lực đã ký hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với Công ty CP Công nghệ môi trường An Sinh, Công ty TNHH Văn Đạo, Công ty CP Đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam, đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại theo định kỳ.
Theo ông Phạm Trung Nghĩa - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương cho biết, công tác bảo đảm môi trường được điện lực luôn quan tâm. Thông qua các cuộc tập huấn về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ hàng năm, các đơn vị trong ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, công nhân viên ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt với chất thải nguy hại được Điện lực quản lý nghiêm, có kho chứa, bồn chứa an toàn và được xử lý theo quy định của pháp luật. Điện lực Hải Dương cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của dự án đến môi trường, cam kết các điều luật, tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường đã ban hành.