Hiểm hoạ tiềm ẩn mang tên "rác thải nhựa đại dương"
Thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản về nghiên cứu quản lý rác thải nhựa đại dương |
Thực trạng báo động
Đánh giá về vấn đề rác thải nhựa (RTN), ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, RTN là hiểm họa mang tính toàn cầu đối với môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe cũng như sinh kế của người dân. Trước thực trạng này, chúng ta cần có tầm nhìn chiến lược để giải quyết trước khi quá trễ.
Còn ông Vũ Sỹ Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, gần đây, tình trạng ô nhiễm RTN đại dương có xu hướng gia tăng mạnh và đáng báo động, đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu. Các kết quả nghiên cứu quốc tế cho thấy, chỉ riêng trong năm 2010, ước tính trên 8 triệu tấn rác nhựa đã thải ra đại dương; khoảng 79.000 tấn RTN đang trôi nổi trên một diện tích gần 1,6 triệu km2 tại vùng biển Thái Bình Dương; 80% RTN có nguồn gốc lục địa, thải ra biển từ các dòng sông và 20% còn lại là do các hoạt động trên biển. Đến nay, số liệu trên cũng đã biến động rất nhiều.
Ảnh minh họa |
Theo số liệu của một số tổ chức môi trường quốc tế, tại Việt Nam, túi nilon được tiêu thụ nhiều, với mức sử dụng trung bình là 35 túi/gia đình/tuần. Mỗi ngày, hàng chục triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường, nhưng chỉ có 27% trong số đó được thu gom, xử lý và tái chế. Như vậy, một lượng lớn RTN bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển.
Trong khi đó, việc quản lý RTN tại các hải đảo, nhất là các bãi biển còn hạn chế. Kết quả số liệu thu thập từ chương trình giám sát RTN bãi biển tại Việt Nam được thực hiện vào cuối năm 2018 cho thấy, rác thải từ xốp chiếm nhiều nhất, tính cả về số lượng cũng như khối lượng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tình toán, nếu trung bình 10% khối lượng RTN và túi nilon không được tái sử dụng, hoặc thải bỏ hoàn toàn thì lượng RTN và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn mỗi năm.
Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả RTN nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm và đứng thứ 4 trên thế giới về lượng RTN ra biển với khoảng 0,28 triệu tấn mỗi năm. Chỉ số tiêu dùng nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/năm/người (1990) lên 41,3kg/ năm/người. Nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng lên theo cấp số nhân, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn. Tỉ lệ nhựa được tái chế là 27%.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chỉ tính riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.
Khoa học công nghệ xử lý RTN là vấn đề cốt lõi
Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động phong trào "Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon". Không chỉ cam kết chính trị, nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường xử lý, tái sử dụng, tái chế RTN. Việt Nam cũng đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động quản lý, giảm RTN, trong đó có RTN đại dương.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, giải quyết vấn đề RTN nói chung, trước tiên cần xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia, phải nhận thức đây là vấn đề toàn cầu và cốt lõi là nâng cao khoa học công nghệ để xử lý RTN theo hướng xử lý vấn đề từ gốc. Đặc biệt, giải quyết RTN ở Việt Nam là câu chuyện lớn, không thể giải quyết đơn lẻ bởi riêng cơ quan, ban, ngành nào, mà nó cần sự chung tay của toàn xã hội.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Đại học Cần Thơ cho rằng, trước hết, cần làm tốt công tác quản lý nguồn RTN. Để làm được điều đó cần có đánh giá cụ thể về số liệu. Vấn đề thu thập số liệu về RTN ở Việt Nam là cần thiết để xây dựng kế hoạch hành động, đánh giá hiệu quả của các chương trình hành động giảm thiểu RTN tại Việt Nam. Đồng thời, cần tập trung khuyến khích các hoạt động tái chế RTN theo hướng xã hội hóa để đảm bảo các vấn đề xã hội, đồng thời hướng tới mục tiêu lớn là vấn đề môi trường.