Khẩu trang y tế đã qua sử dụng là “rác” không thể tái chế

09/03/2020 09:19 Quản lý nguồn thải
Khẩu trang y tế đã qua sử dụng có thể mang một số mầm bệnh liên quan đến virus và trở thành nguồn lây nhiễm mới, nên chỉ là loại sản phẩm sử dụng một lần. Sau khi đã qua sử dụng thì khẩu trang y tế trở thành rác, không tái sử dụng được.
Thông tin về các sơ sở sản xuất dùng giấy vệ sinh để sản xuất lõi khẩu trang y tế
khau trang y te da qua su dung la rac khong the tai che
Khẩu trang y tế là loại sản phẩm sử dụng một lần. Sau khi được loại bỏ thì khẩu trang đã qua sử dụng trở thành rác không tái sử dụng được.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh), khẩu trang y tế là loại sản phẩm sử dụng một lần. Sau khi được loại bỏ thì khẩu trang đã qua sử dụng trở thành rác và không còn tác dụng phòng bệnh. Thậm chí, khẩu trang đã qua sử dụng tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, từ các bệnh về hô hấp, cúm, cho đến đường tiêu hóa, nguy cơ nhiều nhất là bệnh lao, vì vi khuẩn lao tồn tại rất lâu trong môi trường.

Vì vậy, người sử dụng không nên vứt khẩu trang đã qua sử dụng một cách bừa bãi, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là mối đe dọa tiềm tàng gây mầm bệnh cho cộng đồng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nên loại bỏ khẩu trang bị ô nhiễm cùng với chất thải gia đình, bởi khi việc phân loại rác còn chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, phần lớn là rác thải hỗn hợp. Hỗn hợp rác thải chứa khẩu trang qua sử dụng với rác thải thông thường có thể gây nguy hiểm cho những người thu gom rác khi họ dùng tay nhặt các vật dụng có thể tái chế.

Khẩu trang y tế đã qua sử dụng chỉ là rác, không thể tái chế. Vậy mà, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các cơ sở tập kết khẩu trang y tế đã qua sử dụng hoặc không đảm bảo chất lượng. Đáng kể nhất là vụ việc cơ quan chức năng huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh phát hiện một cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thu gom, số lượng khẩu trang khủng về để ở nhà. Tại thời điểm kiểm tra, nơi ở hiện tại của chủ cơ sở có hàng chục bao tải to nhỏ chứa khối lượng lớn khẩu trang y tế, trong đó có khẩu trang dính vết bẩn, nhàu, không có bao bì, một số ít khác còn nguyên nhãn mác của công ty, thậm chí lẫn cả bao tay, lon nước ngọt, túi nilong.... Đặc biệt, đây không phải lần đầu cơ quan chức năng bắt được đối tượng thực hiện việc thu gom khẩu trang đã qua sử dụng. Trước đó, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã kiểm tra, phát hiện đối tượng thu gom hơn 600kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng ở Vĩnh Phúc để mang về Hà Nội tập kết.

Mục đích các đối tượng sử dụng số khẩu trang này vào việc gì, hiện đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh khiến khẩu trang y tế khan hiếm và bị đẩy giá như hiện nay, thì việc thu gom khẩu trang của các đối tượng trên khiến nhiều người hoang mang và hoài nghi về mục đích sử dụng của chúng. Nhiều người đã tỏ ra vô cùng phẫn nộ và bức xúc, đa số đều mong muốn có những biện pháp cứng rắn để trừng trị các trường hợp như thế này.

Thu gom, tập kết khẩu trang đã qua sử dụng, khẩu trang lỗi dù để dùng vào việc gì thì cũng phải điều tra, làm rõ và ngăn chặn. Trong trường hợp không bị phát hiện và số khẩu trang này được đưa ra thị trường để tái sử dụng thì trở thành nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Trước tình trạng người dân vứt bỏ khẩu trang bừa bãi, không đúng nơi quy định, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 624/BYT-MT về việc xử lý đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại địa phương: Tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân khi tháo bỏ khẩu trang chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai để tháo khẩu trang; Sau khi tháo khẩu trang cho ngay vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín theo quy định và rửa sạch tay; Bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín tại nơi công cộng.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định theo Điểm c, Điểm d, Khoản 1, Điều 20 Nghị định số 155/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các khu xử lý chất thải của thành phố. Trong đó yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo đối với việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải có nguy cơ lây nhiễm, chất thải phát sinh tại vùng dịch (nếu có) trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tổ chức, cá nhân có hành vi thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng nhằm trục lợi bất chính; xử lý nghiêm hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý đối với trường hợp vi phạm.

Các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát việc xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải nguy hại (có chức năng xử lý chất thải y tế lây nhiễm) trên địa bàn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở y tế, khu vực cách ly tập trung, khu vực tập trung đông dân cư (tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị…) bố trí các điểm thu gom, lưu giữ riêng khẩu trang y tế theo đúng quy định...

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp xin ý kiến Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường... khẩn trương xây dựng kịch bản về quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt trong trường hợp phát sinh ổ dịch trên địa bàn.

Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động