Kinh tế thế giới có thể thiệt hại gần 8.000 tỉ USD do biến đổi khí hậu

22/11/2019 11:21 Tác động môi trường
Theo phân tích của Công ty Economist Intelligence Unit (EIU), vào năm 2050, kinh tế thế giới có thể thiệt hại tới 7.900 tỉ USD, GDP toàn cầu giảm 3% do biến đổi khí hậu. 
Cháy rừng tiếp tục bùng phát ở Australia "Thiên đường" Venice ngập trong nước lũ do thủy triều Ngôn ngữ hình ảnh của biến đổi khí hậu

Qua đánh giá hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu của 82 nền kinh tế trên thế giới, Công ty Economist Intelligence Unit (EIU) của Anh Quốc đưa ra dự báo, kinh tế thế giới có thể thiệt hại tới 7.900 tỉ USD, GDP toàn cầu giảm 3% vào năm 2050 do hạn hán, lũ lụt, vụ mùa thất thu…; gây ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng và cơ sở hạ tầng.

Những khu vực sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu là châu Phi (ước tính giảm 4,7%), châu Mỹ Latin (3,8%), Trung Đông (3,7%)…; với quy mô nền kinh tế nhỏ và thời tiết vốn đã khắc nghiệt.

kinh te the gioi co the thiet hai gan 8000 ti usd do bien doi khi hau
Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Ảnh minh hoạ.

Trong khi đó, theo đài CNN, GDP của châu Á - Thái Bình Dương dự kiến giảm 2,6%, thấp hơn Đông Âu (3%) nhưng cao hơn Tây Âu (1,7%) và Bắc Mỹ (1,1%).

Trong số những nước được đánh giá, Angola là quốc gia có thể chịu tác động nặng nề nhất, với GDP ước tính giảm 6,1% vào năm 2050 do thiếu cơ sở hạ tầng chất lượng, dễ bị hạn hán nghiêm trọng, tình trạng xói mòn đất và mực nước biển dâng.

Theo sau đó là Nigeria (GDP giảm 5,9%) Ai Cập (5,5%), Bangladesh (5,4%), Venezuela (5,1%)…

Ở chiều ngược lại, Mỹ được dự báo là một trong những nước ít bị tác động nhất bởi biến đổi khí hậu với mức giảm GDP chỉ khoảng 1,1% vào năm 2050.

Tuy nhiên, báo cáo của EIU vẫn đưa ra cảnh báo khi nhắc đến tình trạng cháy rừng diễn ra ngày càng thường xuyên và khó lường ở California: "Những sự kiện gần đây ở Mỹ cho thấy, ngay cả những nền kinh tế phát triển hàng đầu vẫn có thể bị tổn thương nghiêm trọng"

Vào năm ngoái, Nhà Trắng đã trực tiếp bác bỏ một báo cáo của chính phủ, rằng biến đổi khí hậu có thể khiến kinh tế đất nước thiệt hại hàng trăm tỉ USD vào cuối thế kỷ 21 và gọi đây là “trò bịp”.

Động thái này đồng nhất với tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris của Mỹ hồi đầu tháng này, với lý do được chính quyền Tổng thống Trump đưa ra là “gây gánh nặng kinh tế không công bằng với Washington”.

Đường lối này của ông Trump đã gây tranh cãi dữ dội. Giới hoạt động vì môi trường cho rằng đây là bước lùi của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Vào tháng 12 tới, các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến tham dự Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Theo đài CNBC, một trong những nội dung bàn thảo chính là làm thế nào ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - một mục tiêu chính của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đạt được năm 2015.

Diệu Anh
Theo CNN, Reuters..
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động