Kon Tum: Tăng cường giám sát việc vứt rác thải trên sông, suối

31/07/2020 08:21 Quản lý nguồn thải
Ngày 27/7, UBND Tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn số 2689/UBND-NNTN chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, giám sát việc vứt rác thải sinh hoạt trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh.
Kon Tum: Đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn
kon tum tang cuong giam sat viec vut rac thai tren song suoi
Cần nhiều giải pháp để phục hồi bảo vệ môi trường các dòng sông.

Tại Văn bản này, UBND Tỉnh Kon Tum giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về việc bỏ rác thải đúng nơi quy định; đồng thời đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý chất thải rắn, bảo vệ nguồn nước; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, vứt rác thải và đổ rác thải không đúng nơi quy định. Phối hợp, hỗ trợ nội dung hướng dẫn chuyên ngành để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục vận động các hộ dân, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh; thực hiện thải rác đúng nơi quy định, không xả rác ra sông, suối, ao hồ, kênh mương và các lưu vực chứa nước khác; thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị.

Các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương về quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật lựa chọn địa điểm tập kết và xử lý rác thải; xây dựng các trạm trung chuyển và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt…

Chỉ đạo nêu rõ, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để địa phương mình xảy ra tình trạng vứt rác thải, đổ rác thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm nguồn nước.

Do vậy, UBND các huyện, thành phố cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và thực hiện nếp sống văn minh đô thị tại địa phương cư trú. Định kỳ tổ chức khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh, mương; dọn dẹp vệ sinh, vớt rác thải tại các khu vực sông, suối và các lưu vực nước khác ở địa phương. Tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm về: san lấp, lấn chiếm sông, suối, kênh, mương; xây dựng nhà ở, công trình trái phép, không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ của sông, kênh, mương; thải bỏ rác bừa bãi xuống sông, suối, kênh, mương và cống thoát nước; vận động, khuyến khích các tổ chức kinh doanh, dịch vụ; hộ gia đình, cá nhân sử dụng các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Phát động phong trào, huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định….

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động