Kỳ vọng về Lưới điện Thông minh

09/03/2020 09:17 Nghiên cứu, trao đổi
Lưới điện thông minh đang trên đà cải tiến và tiếp tục đưa vào sử dụng rộng rãi ở Việt Nam với kỳ vọng về tiềm năng lớn giúp sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.
Tuần lễ Lưới điện Thông minh Việt Nam 2019: Thúc đẩy sử dụng điện hiệu quả
ky vong ve luoi dien thong minh

Lưới điện thông minh đang dần được đưa vào sử dụng rộng rãi trên cả nước.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của lưới điện thông minh, Việt Nam đang dần đưa lưới điện thông minh vào sử dụng rộng rãi trên cả nước, cùng với sự giúp đỡ của các nước phát triển trên thế giới như Đức, Nhật Bản…. Từ năm 2016, Bộ Công Thương đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam do Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN hoàn thiện với mục tiêu nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện; góp phần trong công tác quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngày 11/05/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án "Ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả" (SGRE-EE), sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức.

Kết quả Dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng do Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp thực hiện đến nay đã đạt được nhiều kết quả. Các hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA)/hệ thống quản lý năng lượng (EMS) đang được triển khai áp dụng rộng rãi nhằm quản lý và điều khiển tự động đến hầu hết các lưới truyền tải cũng như mở rộng khả năng kết nối của hệ thống tự động điều chỉnh tăng giảm công suất phát điện (AGC) đối với tất cả các nhà máy điện có công suất trên 30MW. Tất cả các máy biến áp và kháng điện 500kV đều được trang bị thiết bị giám sát đầu máy biến áp trực tuyến (DGA), trong khi các máy biến áp 220kV quan trọng cũng đang được lên kế hoạch trang bị thiết bị DGA.

Trên quy mô lớn, nhiều tổng công điện lực đang triển khai thành công hệ thống tự động thu thập và quản lý dữ liệu đo đếm từ xa (AMR) đến hầu hết các khách hàng. Một phần các TBA 110kV đã được trang bị Hệ thống tự động hóa trạm (SAS)…

Ở quy mô nhỏ, xe điện và hệ thống trạm sạc xe điện chưa được phát triển rộng rãi, nhiều hệ thống mà lưới điện Việt Nam vẫn chưa có như: hệ thống đánh giá an ninh động (DSA), Máy biến áp phân phối (MV,LV) điều chỉnh điện áp, Hệ thống quản lý kế hoạch sửa chữa (OMS), Hệ thống lưu trữ điện năng hay truyền tải điện cao áp một chiều (HVDC)…

Ban chỉ đạo phát triển Lưới điện Thông minh Việt Nam được thành lập năm 2013, có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện xây dựng các dự án cụ thể, xác định các mục tiêu cụ thể trong từng dự án, giao cho các đơn vị thực hiện, giám sát việc thực hiện tuân thủ theo Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam.

Trưởng Ban Chỉ đạo Lưới điện Thông minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, việc vận hành hệ thống điện một cách ổn định đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi một quốc gia. Phát triển Lưới điện thông minh là một định hướng đúng đắn của Việt Nam.

Với xu thế chung về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh là một trong những giải pháp hữu hiệu để tích hợp, vận hành ổn định, tối ưu các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; góp phần khuyến khích phát triển, tăng tỷ trọng và khai thác có hiệu quả nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững.

Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động