Lấy ý kiến dự thảo Quyết định chi phí xử lý, tái chế rác thải điện tử
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu. Chính vì vậy. Hội thảo về quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với rác thải điện tử được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan về dự thảo đề xuất định mức chi phí tái chế và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ xử lý chất thải (Fs).
Phát biểu tại hội thảo, Ông Nguyễn Thi – Vụ Pháp chế cho biết, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu đã được quy định trong Điều 54, Luật Bảo vệ Môi trường 2020, theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc (khoản 1 Điều 54). Khoản 2 Điều này quy định các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải thực hiện trách nhiệm tái chế được lựa chọn thực hiện trách nhiệm tái chế theo một trong các hình thức bao gồm: (1) Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; hoặc (2) Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Ông Hứa Phú Doãn – Phó Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải, đơn vị tham gia tư vấn xây dựng Dự thảo cho biết: Qua quá trình triển khai khảo sát thực tế tại 33 cơ sở tái chế của nhóm chuyên gia tư vấn (chủ yếu tại khu vực phía Bắc), kết hợp với khảo sát tại 33 cơ sở (chủ yếu ở khu vực phía Nam) của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho thấy, các chi phí thực tế của hoạt động tái chế là khác nhau giữa các cơ sở tái chế do nhiều yếu tố như: công nghệ, trang thiết bị, sản phẩm thị trường đầu ra, yêu cầu chất lượng phế liệu đầu vào khác nhau, hoạt động sản xuất liên tục hay không liên tục, chi phí nhân công tại các khu vực khác nhau, tỷ lệ nước tái sử dụng, v.v. dẫn đến khác biệt trong đề xuất chi phí liên quan giữa các nhóm.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Quảng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường đã trình bày cách tính Fs đối với các sản phẩm điện tử thải bỏ và chi phí quản lý hành chính dự kiến ở mức 3%.
Tuy nhiên ông Quảng cũng cho rằng, hiện các cơ sở xử lý rác thải điện tử tại Việt nam chỉ có phần tháo dỡ thủ công rồi chuyển đến đơn vị khác để tái chế khác. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tìm cách hóa giải cho các nhà tái chế, bằng cách phân loại các loại vật liệu có trong sản phẩm thải bỏ.
Theo ông Quảng, Fs được xây dựng ở mức tháo dỡ, nếu tái chế cho một số sản phẩm kim loại như màn hình ti vi, bóng đèn huỳnh quang...Việt Nam chưa có công nghệ xử lý vì đây là chất thải nguy hại với các thành phần chính là thủy tinh, riêng đui nhôm của bóng đèn có thể tái chế nhưng tỷ lệ chiếm rất ít trong khi thủy tinh chiếm đến trên 90%.
Đối với sản phẩm điện tử, doanh nghiệp tái chế quan tâm đến kim loại quý chứa trong sản phẩm mà phần này chiếm tỷ lệ rất thấp, đơn cử như điện thoại di động, trong khi yêu cầu tái chế điện thoại phải đạt tỷ lệ trên 40%. “Do vậy đơn vị tư vấn đang đề xuất đưa vào nhóm sản phẩm chưa có công nghệ xử lý, hiện Việt Nam mới chỉ thu hồi một số kim loại phổ biến như: đồng, chì.. nhưng tỷ lệ không cao”- ông Quảng cho hay.
Tại hội thảo, đại diện Samsung Việt Nam đề nghị Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cân nhắc mức phí với mặt bằng các quốc gia khác. Theo đại diện của Samsung, các quốc gia chỉ chênh lệch Fs vào khoảng 100%, còn theo dự thảo mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến hiện nay đã chênh từ 200% trở lên so với các quốc gia khác.
Đại diện Samsung cũng đặt ra câu hỏi nếu thực hiện tách từng phần sản phẩm điện tử thì chi phí tái chế có rẻ hơn không? Kết hợp với điều kiện xử lý chất thải nguy hại đi kèm với chất thải điện tử nếu như vậy có yêu cầu quá cao cho các công ty tái chế không? Vì không phải công ty nào cũng có thể tái chế được chất thải điện tử.
Góp ý tại hội thảo, các chuyên gia đề nghị Việt Nam nên đi từng bước, trước hết cần xây dựng khung chính sách; Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra quy trình xử lý chất thải nguy hại có trong sản phẩm thải bỏ, để từ đó có căn cứ tính giá thành tái chế, xử lý; tăng cường cơ sở hạ tầng về thu gom rác thải và tái chế; tạo ra cơ chế chính sách với những quy định thuận lợi cho tái chế, thu gom; cần có chính sách thu hút đầu tư cho tái chế…
Ban soạn thảo và nhóm chuyên gia tư vấn đã tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội để từ đó tiếp tục xem xét và có điều chỉnh phù hợp trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Tin mới
Khảo sát của Herbalife tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 9 trên 10 người Việt cho rằng một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng để hỗ trợ sức k
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.