Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

03/10/2019 14:52 Tác động môi trường
Đề án "Tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030" nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển, hải đảo, mà trọng tâm là công tác quản lý Nhà nước và điều tra, quan trắc, kiểm soát, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; xây dựng cơ sở dữ liệu về biển, hải đảo.
Tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Việt Nam có chiều dài đường bờ biển trên 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp khoảng 3 lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Những năm qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, các hoạt động trên biển có mối liên hệ, tác động nhất định đến nhau, việc không xem xét vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo một cách tổng thể đã làm hạn chế sự phát triển chung, thiếu sự hài hòa lợi ích của các ngành, lĩnh vực, làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo. Tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo có chiều hướng gia tăng. Nhiều hệ sinh thái biển và hải đảo quan trọng đã bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản.

nang cao hieu qua quan ly tong hop tai nguyen moi truong bien va hai dao
Sẽ đầu tư 32 trạm quan trắc tài nguyên môi trường biển.

Trong xu thế tiến ra biển của cả thế giới, cũng như nhận thức được những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đã bước đầu thiết lập chính sách quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo theo phương thức tổng hợp trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Điều đó đặc biệt được thể hiện tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030" là cơ sở quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.

Đề án do Bộ Tài nguyên và Môi trường và trực tiếp là Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cùng với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển (Sở Tài nguyên và Môi trường 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển) thực hiện trong 2 giai đoạn 2020-2025 và 2026-2030, tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm:

Một là, tăng cường năng lực hệ thống quan trắc tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, tập trung xây dựng hệ thống trạm quan trắc tài nguyên, môi trường biển; hệ thống trạm radar biển và hệ thống trạm phao biển. Cụ thể là đầu tư 32 trạm quan trắc tài nguyên môi trường biển, 22 trạm radar biển (trong đó có 3 trạm đã đầu tư) và 35 trạm phao biển; cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm DGPS tại Hải Phòng, Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hai là, tăng cường năng lực quản lý tổng hợp; điều tra, nghiên cứu tài nguyên môi trường biển; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Tập trung vào đầu tư đội tàu nghiên cứu biển, điều tra tài nguyên môi trường biển; tăng cường năng lực trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Ba là, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và hiện đại hóa công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển hải đảo: Tập trung xây dựng hệ thống thông tin tích hợp phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển, hải đảo.

Bốn là, tăng cường năng lực cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, tập trung đầu tư cơ sở vật chất phục vụ điều tra cơ bản cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; xây dựng Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Phân Viện Nghiên cứu biển và hải đảo miền Trung và Phân viện Tây Nam Bộ.

Năm là, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thành phố, căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối nguồn lực tài chính của từng địa phương xây dựng dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật thiết yếu.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động