Nghiên cứu giải pháp tổng thể khắc phục hiện tượng thấm, nứt của các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung
Vinh danh 51 doanh nghiệp sản xuất và sử dụng vật liệu xanh |
Phát triển vật liệu xây không nung góp phần tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. |
Kể từ khi Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, việc áp dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) nói chung, gạch bê tông, gạch bê tông nhẹ nói riêng vào các công trình xây dựng đã từng bước phát huy được hiệu quả. Thời gian đầu, một số địa phương cho áp dụng thực tế luôn khi chưa có các nghiên cứu cũng như các hướng dẫn đồng bộ đã dẫn đến hiện tượng một số công trình xây dựng khi sử dụng gạch bê tông, gạch bê tông bọt, gạch AAC bị thấm, nứt, gây hiệu ứng không tốt cho việc sử dụng loại vật liệu này.
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, từ năm 2011 đến nay, Bộ Xây dựng đã ban hành các tiêu chuẩn về sản phẩm cũng như các tiêu chuẩn, chỉ dẫn sử dụng VLXKN trong xây dựng dân dụng và công nghiệp. Tuy nhiên, hiện tượng nứt, thấm trong công trình xây bằng gạch không nung (GKN) vẫn tồn tại gây ra sự hoài nghi và mất lòng tin về chất lượng của loại vật liệu này. Do vậy, để đảm bảo chất lượng của khối xây sử dụng VLXKN cần có các nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân, hiện tượng để khuyến cáo, tránh được các sự cố nứt, thấm, tạo tiền đề quan trọng để phát triển VLXKN ở nước ta. Đây chính là ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như tính cấp thiết của đề tài.
Báo cáo tổng kết đề tài, Chủ nhiệm đề tài, TS. Vũ Hải Nam đã trình bày cơ sở khoa học về hiện tượng nứt, thấm tường xây, khối xây GKN, và các giải pháp cụ thể để đảm bảo chất lượng viên xây, vữa xây. Thực hiện điều tra khảo sát cũng như tổng hợp kết quả điều tra khảo sát về sản xuất viên xây và chất lượng khối xây; nghiên cứu các tiêu chuẩn liên quan; đánh giá chất lượng GKN của một số cơ sở sản xuất điển hình, đánh giá chất lượng vữa xây dựng; phân tích các đối tượng nghiên cứu đảm bảo tính học thuật; đề xuất giải pháp tổng thể để phòng tránh sự cố nứt, thấm tường xây GKN trong công trình xây dựng ở Việt Nam.
Nhận xét về đề tài, PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu - Phó Trưởng khoa Xây dựng (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) và ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng bộ phận đào tạo - Công ty cổ phần xây dựng Coteccons cùng các thành viên của Hội đồng nghiệm thu đánh giá các kết quả nghiên cứu của đề tài có thể áp dụng tốt trong thực tiễn. Đề tài có khả năng nghiên cứu phát triển, là cơ sở để biên soạn chỉ dẫn kỹ thuật phòng tránh và khắc phục hiện tượng nứt, thấm khối xây GKN ở Việt Nam.