Nhóm "đại gia" sở hữu Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà là ai?
Hòa Bình báo cáo vụ đổ trộm dầu thải khu vực đầu nguồn Nhà máy nước sạch sông ĐàViwasupco "né" trách nhiệmCần sớm có quy hoạch về vùng đệm an toàn bảo vệ nguồn nước |
Năm 2019, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà đặt mục tiêu doanh thu 534 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 183 tỉ đồng. Kế hoạch khá thận trọng với sự giảm nhẹ của lợi nhuận, nhưng thực hiện lại cao hơn nhiều.
Theo cập nhật của công ty, 6 tháng năm 2019, doanh nghiệp đạt doanh thu 263 tỉ đồng (tăng 22,3% so với cùng kỳ). Giá vốn bán hàng chỉ 113 tỉ đồng, trong khi các chi phí tài chính, chi phí bán hàng không đáng kể khiến lợi nhuận từ kinh doanh tăng lên 133 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt 126 tỉ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ).
Tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của công ty đạt 1.477 tỉ đồng. Nợ phải trả của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà là 453 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là người mua trả tiền trước. Công ty có khoản vay nợ dài hạn 387 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.023 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 271 tỉ đồng.
Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà siêu lợi nhuận và là "gà đẻ trứng vàng" cho nhóm công ty thuộc đại gia Nguyễn Văn Tuấn sau khi thâu tóm. |
Chính vì lĩnh vực kinh doanh thiết yếu cộng với tập khách hàng lớn ở thủ đô, giới tài chính đã có một cuộc đua gay gắt để thâu tóm công ty này. Cuối năm 2017, sau nhiều tai tiếng, Vinaconex đã bán toàn bộ cổ phần thoái vốn tại Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà. Khi đó, Công ty CP Đầu tư phát triển Sinh Thái và Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) vốn nổi tiếng trên sàn chứng khoán đã tham gia vào cuộc đua.
Tuy vậy, phần thắng cuối cùng thuộc về Công ty Đầu tư phát triển Sinh Thái khi liên tục mua gom cổ phần thoái vốn từ Vinaconex gồm nhiều đợt và sở hữu 50,42% cổ phần tại đây, REE của doanh nhân Mai Thanh ngậm ngùi với vị trí thứ hai khi chỉ sở hữu 17,34 triệu cổ phần tương ứng 34,68% cổ phần của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà.
Đường đua gom cổ phiếu gay cấn là thế, nhưng Sinh Thái đã ngay lập tức sang tên 25,21 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex ngày 4/1/2018. Dưới góc nhìn tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng Sinh Thái chỉ là cái tên đứng ra gom cổ phần cho nhà đầu tư giấu mặt là Gelex vì nhóm này không muốn lộ diện ngay từ ban đầu.
Cuộc đua thâu tóm Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà sau đó cũng chốt hạ với nhiều giao dịch lòng vòng của nhóm Năng lượng Gelex. Tính đến nay, nhóm Gelex đã nắm giữ 60,46% cổ phần, REE nắm 35,95% cổ phần, Quỹ đầu tư MB nắm 2,22%. Đây là 3 cổ đông lớn nhất nắm gần 99% cổ phần công ty.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex được sở hữu 100% bởi Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam Gelex. Gelex tự tin cho biết đang sở hữu chi phối Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà, đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ ngày đêm.
Đến nay, quy mô vốn điều lệ của Gelex lên đến 2.320 tỉ đồng. Tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của Tổng Công ty đạt từ 12% đến 16%, tham vọng đạt mức doanh thu dự kiến đạt trên 1 tỉ USD vào năm 2020.
Gelex hiện có 9 công ty thành viên, quy hoạch tập trung 04 lĩnh vực: Công nghiệp, Tiện ích, Logistics và Bất động sản. Doanh nghiệp này đã niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE từ đầu năm 2018 với mã chứng khoán GEX.
Chủ tịch của Năng lượng Gelex chính là ông Nguyễn Văn Tuấn - doanh nhân thế hệ 8X nổi tiếng trong giới tài chính. Được biết, ông Tuấn sinh năm 1984, tại Hà Nam. Xuất thân từ ngành tài chính - ngân hàng, ông Tuấn ngay từ khi còn trẻ đã nổi tiếng trên thương trường với những thương vụ M&A đình đám như vụ mua cổ phần thoái vốn tại Tổng Công ty CP Thiết bị Điện Việt Nam từ Bộ Công Thương ngay trên sàn. Trước đó là Công ty Dây cáp điện Việt Nam (CAV)…
Hiện, đại gia trẻ này nắm nhiều chức vụ gồm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty Dây cáp điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty TNHH Thiết bị Điện, Phó Chủ tịch Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, Phó Chủ tịch Công ty Hạ tầng Fecon.
Theo giới thiệu của Tổng Công ty, HĐQT Gelex bao gồm 6 thành viên, là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thiết bị điện, đầu tư bất động sản, không nhắc đến kinh nghiệm ngành nước sạch, môi trường.
Doanh nghiệp này chỉ được nhắc đến nhiều khi sự việc nước sạch sông Đà nhiễm dầu vẫn đưa vào nguồn lọc bán cho hàng triệu dân Hà Nội, gây phẫn nộ.
Đáng chú ý, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, trả lời về trách nhiệm cá nhân, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết: "Tôi chỉ là người làm thuê".
Theo giới thiệu của Tổng Công ty, HĐQT Gelex bao gồm 6 thành viên
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gelex. |
Ông Nguyễn Hoa Cương (SN 1961) - Ủy viên HĐQT Gelex từ 4/1/2018, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SAS-CTAMAD- Khách sạn Melia Hà Nội. Trước đó là Chủ tịch HDQT Gelex. Trước đó, ông này là Chủ tịch HDQT Công ty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dây đồng Việt Nam. |
Ông Nguyễn Trọng Tiếu - Ủy viên HĐQT Gelex, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Điện Gelex; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế tạo Bơm Hải Dương. |
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Ủy viên HĐQT Gelex từ 2010. Bà Ngọc còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ như Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Capital Land - Hoàng Thành (chủ đầu tư dự án Mullberry Land Hà Đông); Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Hoàng Thành. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị Hoàng Thành; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trần Hưng Đạo. |
Ông Võ Anh Linh - Ủy viên HĐQT Gelex từ tháng 3/2016. Trước đó, ông Linh là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện, Ủy viên HĐQT Công ty CP Cơ điện Trần Phú. |
Bà Đỗ Thị Phương Lan - Thành viên HĐQT Gelex từ năm 2018. Trước đó, bà Lan là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bất động sản Gelex, Giám đốc Đầu tư Công ty CP Phát triển và Tài trợ địa ốc R.C (Refico; Giám đốc Quỹ đầu tư Sài Gòn A2, Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư Thành Việt; Từ năm 2004 - 2010: Giám đốc đầu tư, Nautilus Equity Holdings, Hongkong. |