Nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường bền vững

23/10/2019 05:00 Tăng trưởng xanh
Đến hết năm 2018, toàn tỉnh Nam Định có 100% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tính bình quân mỗi xã tăng 13,2 tiêu chí so với năm 2010; đến tháng 7/2019, có 10/10 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.
Hãy bảo vệ môi trường từ những thay đổi nhỏCòn nhiều khó khăn, hạn chế trong bảo vệ môi trườngHòa Bình báo cáo vụ đổ trộm dầu thải khu vực đầu nguồn Nhà máy nước sạch sông Đà

Chú trọng tiêu chí môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm

Chương trình xây dựng nông thôn mới của Nam Định trong những năm qua được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Với quyết tâm chính trị cao và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nên đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Huyện Hải Hậu đang xây dựng mô hình điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu "sáng - xanh - sạch - đẹp" để phát triển bền vững giai đoạn 2019-2025. Từ đó, Nam Định đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.

Trong số 19 tiêu chí xã nông thôn mới, tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm) là tiêu chí khó, cần nhiều nguồn lực và biện pháp chỉ đạo, với nhiều nội dung nhiệm vụ cần thực hiện. Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường, ngay từ năm đầu triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22/12/2011 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, phát động cuộc vận động "Xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp" và phong trào "Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác".

nong thon moi gan voi bao ve moi truong ben vung
Nông thôn mới tạo diện mạo cho các vùng nông thôn Nam Định. Ảnh: Duy Hưng

UBND tỉnh ban hành quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung cao triển khai thực hiện Nghị quyết; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đến nay, đã có 209/209 xã (100% số xã) đạt chuẩn tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, 9/9 huyện đạt chuẩn tiêu chí môi trường. Để góp phần đạt được kết quả tích cực này, theo ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, trong công tác tuyên truyền, địa phương đã có cách làm sáng tạo. Cụ thể, từ phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", Nam Định đã sáng tạo thành "Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng".

Cùng với việc chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương củng cố chất lượng nội dung môi trường trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng cảnh quan - môi trường nông thôn theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2020; đồng thời chỉ đạo xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu về cảnh quan - môi trường với các nội dung, nhiệm vụ cụ thể của hộ gia đình, thôn/xóm/khu dân cư và cấp xã.

Bảo vệ môi trường theo hướng bền vững

Tỉnh Nam Định xác định bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp là nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị và toàn xã hội nên đã vận động sự tham gia của tất cả các tổ chức, cá nhân. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kết các Chương trình phối hợp hành động bảo vệ tài nguyên môi trường với các tổ chức chính trị, đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp của tỉnh. Trong mỗi Chương trình phối hợp, đều phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trong bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ trọng tâm của các Chương trình phối hợp là tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về các quy định bảo vệ tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học; đưa ra các cảnh báo và biện pháp bảo vệ tài nguyên môi trường.

Các Sở, ban, ngành của Nam Định đã xây dựng các Chương trình phối hợp bảo vệ tài nguyên môi trường và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Mít tinh, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, xây dựng mô hình, hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ tài nguyên môi trường, ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh; kết thúc mỗi Chương trình phối hợp đều có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường ở các cộng đồng dân cư và đã thu được nhiều kết quả. Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng dân cư đã có những chuyển biến tích cực; tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn được giảm thiểu. Các tổ chức đoàn thể cũng đã chủ động triển khai các hoạt động phối hợp bảo vệ môi trường.

Một số tổ chức đoàn thể đã có những sáng kiến hay về phương thức tổ chức phối hợp bảo vệ môi trường và huy động các nguồn lực để triển khai, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội thi báo cáo viên cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường và tham gia xây dựng nông thôn mới; Hội Cựu chiến binh đã tự huy động các nguồn lực để tổ chức các Hội nghị và các cuộc mít tinh, ra quân làm vệ sinh môi trường hưởng ứng Ngày môi trường thế giới và Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với UBND thành phố Nam Định và Ban quản lý các khu công nghiệp tổ chức hội nghị tuyên truyền và nhiều hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường; tổ chức đánh giá kết quả tuyên truyền thông qua phiếu điều tra; thành lập đoàn và tổ chức kiểm tra giám sát công tác bảo vệ môi trường ở một số cơ sở; hướng dẫn các cơ sở tổ chức quản lý hồ sơ bảo vệ môi trường, thực hiện các biện pháp giảm thiểu chất thải đúng quy định.

Nhìn chung, tất cả các huyện, thành phố, các xã của tỉnh đều thường xuyên phát động phong trào xây dựng, chỉnh trang cảnh quan, bảo vệ môi trường sáng xanh - sạch - đẹp ở khu công cộng và khu dân cư, gồm các công việc: Bổ sung quy định bảo vệ cảnh quan - môi trường vào hương ước, quy ước của khu dân cư; hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng ban đêm và hệ thống cống rãnh thoát nước; thường xuyên tổng vệ sinh môi trường, phân loại, xử lý một phần rác thải tại nguồn; trồng cây xanh đồng chủng loại, trồng hoa hai bên đường giao thông, ven sông hồ tạo môi trường sống trong lành, thoáng mát, sạch đẹp...

Trên cơ sở đó, toàn tỉnh có 209/209 xã đã thành lập tổ đội thu gom rác thải sinh hoạt, tỉ lệ thu gom đạt 88% lượng rác thải. Rác thải được thu gom và xử lý tập trung dưới hai hình thức chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh và đốt bằng lò đốt rác thải tập trung. Tỉnh Nam Định đang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố nghiên cứu xây dựng các khu xử lý rác thải cấp huyện hoặc liên huyện theo công nghệ thân thiện với môi trường.

Cùng với việc phát động và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, nhiều địa phương trong tỉnh đã vận động doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải để trở thành khu xử lý rác thải thân thiện với môi trường, gắn với tổ chức thu gom, phân loại rác thải.

Hiện nay, Nam Định có 112 khu xử lý rác thải theo công nghệ lò đốt đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường và an toàn khí thải, trong đó có 5 khu xử lý rác thải quy mô cấp xã và liên xã kiểu mẫu. Công ty Cổ phần ETC đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại quy mô 3ha, đảm bảo xử lý toàn bộ lượng chất thải nguy hại cho Nam Định và 5 tỉnh lân cận.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều thực hiện việc tốt việc lập phương án bảo vệ môi trường và ký cam kết bảo vệ môi trường hàng năm với chính quyền cơ sở. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và các ngành liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường, các nội dung cam kết bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn đạt tiêu chuẩn môi trường tăng đáng kể, đạt 96%; tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường được hạn chế.

Toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng 53 công trình cấp nước sạch tập trung, khoảng 13.000 công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi và trên 24.000 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ môi trường. Tỉ lệ hộ dân ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đến tháng 6/2019 đạt 99,78%, tăng 21,66% so với năm 2010; gần 96% số hộ có đủ 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn; trên 80% số hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường,…

Đạt được kết quả tích cực trên, theo UBND tỉnh Nam Định, cần xác định bảo vệ môi trường, cảnh quan là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới, từ đó huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện, tạo thành phong trào sâu rộng. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động gắn với chế tài xử lý vi phạm quy định bảo vệ môi trường.

Ðến tháng 7/2019, Nam Định có 209/209 xã, thị trấn, 10/10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, về đích xây dựng nông thôn mới sớm hơn 1,5 năm. Với thành tích này, ngày 18/10 vừa qua, Nam Định đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Ðộc lập hạng Ba.
Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động