Nước sạch và sự sống

17/10/2019 11:30 Tăng trưởng xanh
Những ngày qua, dư luận nóng từng ngày trước việc hàng vạn người dân khu vực Tây Nam Hà Nội phải sử dụng nước không đảm bảo chất lượng do Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp.
Hòa Bình báo cáo vụ đổ trộm dầu thải khu vực đầu nguồn Nhà máy nước sạch sông Đà Viwasupco "né" trách nhiệm Cần sớm có quy hoạch về vùng đệm an toàn bảo vệ nguồn nước
nuoc sach va su song

Hàng trăm cư dân chung cư Gemek 1 xếp hàng dài lấy nước sạch miễn phí trong đêm. (Nguồn: dantri.com.vn)

23 giờ đêm ngày 15/10, hàng trăm cư dân chung cư Gemek 1 (huyện Hoài Đức, Hà Nội) xách theo can nhựa, chai lọ… xếp hàng dài lấy nước sạch từ nhà máy nước Hà Nội cung cấp miễn phí để dùng tạm, sau thông tin nước sông Đà nhiễm dầu bẩn. Hình ảnh bà con xếp hàng lúc đêm khuya với đủ thứ xô chậu, đủ lứa tuổi, từ già đến trẻ, đứng chờ lấy nước để mang lên chung cư cao tầng, phản ánh khá tiêu biểu nỗi cực khổ của người dân khi thiếu nước sạch. Nhiều cư dân tại đây đã phản ánh rằng những ngày qua, nước bị nhiễm bẩn khiến họ có hiện tượng ngứa da, mụn nhọt, đầy bụng...

Căn nguyên của vụ ô nhiễm nước sạch này đã được công bố. TS. Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Theo thông tin của người dân, trước đó vào đêm 8, rạng sáng 9/10 có 1 xe ô tô tải loại 2,5 tấn đổ trộm dầu thải ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Điểm đổ dầu thải chỉ cách kênh dẫn nước của nhà máy có 800m. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài, là hồ chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà thuộc Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà.

Kết quả xét nghiệm xác định, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần.

Một số chuyên cho biết, styren là chất độc, có khả năng gây ra ung thư. Điều đáng lên án là Viwasupco phát hiện việc này từ đêm 8/10, nhưng lại chưa báo cáo kịp thời, đầy đủ với cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội, đồng thời cũng chưa minh bạch thông tin với người dân. Vì sự bưng bít thông tin này mà người dân đã dùng nước có nhiễm độc gần một tuần, sau đó ngày 15/10 Hà Nội mới khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước trên nấu ăn, uống.

Hơn ai hết, là doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, Viwasupco phải hiểu rằng nước giữ một vai trò đặc biệt trong đời sống sinh tồn và phát triển của con người. Nước là một trong những thành phần cơ bản của sự sống. Trong cơ thể nước thể hiện 4 vai trò chính, là dung môi của các phản ứng hóa học trong cơ thể, là chất phản ứng, chất bôi trơn và điều hòa nhiệt độ. Ngoài ra, nước còn cung cấp nguồn chất khoáng cho cơ thể. Do vậy, nước sạch cung cấp cho người tiêu dùng phải bảo đảm theo quy chuẩn quốc gia do Bộ Y tế ban hành ngày 17/6 /2009.

Có thể nói, Viwasupco đã coi thường quyền lợi chính đáng của khách hàng, coi thường chất lượng hàng hóa mà mình cung cấp, mặc dù đó là hàng hóa thiết yếu, liên quan đến sức khỏe, đến cuộc sống của hàng vạn người dân. Hành vi này gây phẫn nộ trong dư luận.

Hành vi xả thải độc hại ra môi trường tại Hòa Bình, hành vi bưng bít thông tin, cung cấp nước ô nhiễm cho khách hàng của Viwasupco cần phải được xem xét, xử lý nghiêm minh để góp phần ngăn ngừa tình trạng gây ô nhiễm môi trường đang diễn biến rất phức tạp hiện nay.

Nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo ngay nguồn nước sạch cung cấp cho người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo: "UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Viwasupco khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân. UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân khu vực trên. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân. Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm".

Vụ việc trên không chỉ là bài học cho Hà Nội, Hòa Bình, mà là bài học chung cho các địa phương trong cả nước trong việc tham tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch. Doanh nghiệp nào cũng hoạt động vì lợi nhuận, nhưng chạy theo lợi nhuận để bất chấp pháp luật, kinh doanh không có đạo đức, thì cái giá phải trả rất đắt, không chỉ là sự tồn tại của doanh nghiệp, mà là sự an toàn của người dân. Con người có thể thiếu nhiều thứ, nhưng nước sạch thì không vì nó là sự sống.

Theo Thái Vũ/CPV
Comments
 
Rewind 10 Seconds
00:00
00:00
00:00
Fullscreen

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động