Ô nhiễm không khí nguy hại hơn cả hút thuốc lá
Chất lượng không khí Hà Nội tuần qua ở mức trung bình, kém Chính phủ Anh được khuyến nghị điều chỉnh thuế để đối phó với ô nhiễm môi trường Hệ thống quan trắc chất lượng không khí của Pháp |
Nghiên cứu này được thực hiện với 7.000 người trong độ tuổi từ 45-84; tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí như ozone tầng đối lưu (ozone xấu), bụi siêu mịn, oxit nitơ và carbon đen trong đời sống hàng ngày qua hơn một thập kỷ tại 6 khu vực đô thị của Hoa Kỳ, gồm: Baltimore, Chicago, Los Angeles, New York, St. Paul (Minnesota) và Winston-Salem (Bắc Carolina). Các số liệu được lấy ngay tại nơi sinh sống của họ.
Ô nhiễm không khí gây hại cho phổi tương đương với việc hút thuốc liên tục trong 29 năm. Ảnh: National Geographic. |
Sử dụng phương pháp chụp CT, đo phế dung, các nhà nghiên cứu phát hiện phổi của những người này có triệu chứng khí phế thũng. Đây là căn bệnh mãn tính, làm suy nhược chức năng phổi, không khí sau khi hít vào bị ứ tại phổi, gây khó thở, giảm lượng oxy vào máu, nặng dần theo thời gian và không hồi phục; biểu hiện này thường xuất hiện ở những người hút thuốc lá.
Trước khi bắt đầu nghiên cứu, các đối tượng tham gia đều có sức khoẻ tốt. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tính toán đến các yếu tố gây ảnh hưởng khác như tuổi tác, thói quen sinh hoạt, di truyền,...
Nghiên cứu cho thấy, ozone xấu có tác động mạnh mẽ nhất đến sức khoẻ của phổi. Khi hít phải chất này, niêm mạc phổi sẽ bị kích thích, dẫn đến viêm nhiễm, hen suyễn.
Ozone xấu là ozone có ở mặt đất, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, gây ô nhiễm không khí. Nó được hình thành từ phản ứng giữa các tia bức xạ mặt trời và các khí thải sinh ra từ việc đốt các nhiên liệu hoá thạch.
Giáo sư Y học và Dịch tễ học R. Graham Barr của Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia (Mỹ) cho biết: "Sự gia tăng triệu chứng khí phế thũng do ô nhiễm không khí mà chúng tôi quan sát được thật sự đáng chú ý, tương tự như phổi của một người bị tổn thương do 29 năm hút thuốc (liên tục mỗi ngày một bao) và 3 năm lão hoá. Đối với những người mắc bệnh phổi di truyền, những triệu chứng bệnh trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều".
Ông Barr cho biết thêm: "Những phát hiện của chúng tôi trở nên quan trọng hơn khi nồng độ ozone trên mặt đất ngày càng tăng, số ca bệnh và tử vong do bệnh hô hấp mãn tính cũng tăng đột biến".
Với tình trạng khủng hoảng khí hậu như hiện nay, nồng độ ozone xấu có thể sẽ tăng thêm đáng kể vì quá trình tạo ra ozone xấu được kích thích bởi sóng nhiệt. Để giảm lượng khí độc này, cần có chính sách giảm phát thải từ nhiên liệu hoá thạch và kiềm chế hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Ông Stephen Holgate - Cố vấn đặc biệt về chất lượng không khí của Đại học Y khoa Hoàng gia Anh chia sẻ với Trung tâm Truyền thông Khoa học Quốc gia: "Phát hiện này đã bổ sung vào những cơ sở khoa học, cho thấy ô nhiễm không khí đang tác động mạnh mẽ đến sức khoẻ của con người".
Ngoài ra, ông Holgate cũng chỉ ra một số hạn chế của nghiên cứu, bao gồm không đo được mức độ ô nhiễm không khí trong nhà - nơi mọi người sinh hoạt phần lớn thời gian.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Dịch tễ học Joel Kaufman của Đại học Washington thừa nhận đó chính là thách thức của ông và đồng sự. Điều này có thể khiến sự nguy hiểm của ô nhiễm không khí bị đánh giá thấp hơn thực tế.
Trước đó đã từng có nhiều nghiên cứu với quy mô nhỏ hơn chứng minh được rằng, ô nhiễm không khí sẽ gây ra các vấn đề cấp tính về hô hấp, khiến Mỹ tốn thêm hàng tỉ USD cho chăm sóc sức khoẻ. Chỉ riêng năm 2011, nước này đã có hơn 107.000 ca tử vong sớm do mắc các bệnh hô hấp.
Ông Kaufman bày tỏ niềm hy vọng các nhà lãnh đạo quốc tế sẽ xem xét nghiên cứu và cân nhắc đẩy mạnh các chính sách bảo vệ môi trường, tập trung vào mục tiêu cắt giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch.