Quảng Bình: Thiếu phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
Nhiều chuyển biến trong thu gom, xử lý rác
Theo số liệu từ báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh từ năm 2018-2022, hiện nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 514 tấn/ngày. Trong đó, được thu gom, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường khoảng 409 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 79,5%.
Toàn tỉnh có 126/151 xã, phường, thị trấn có mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải (đạt tỷ lệ trên 83,44%) theo các mô hình đơn vị công ích hoặc các doanh nghiệp, tổ, đội... Cụ thể là, tại các huyện, thị xã do Ban Quản lý các công trình công cộng hoặc các doanh nghiệp tư nhân, các tổ, đội tự quản vệ sinh môi trường thực hiện và tại thành phố Đồng Hới do Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình thực hiện.
Về hình thức xử lý, rác thải rắn sinh hoạt chủ yếu được xử lý chôn lấp tại 7 bãi rác trên địa bàn tỉnh và 1 nhà máy xử lý rác tại Lý Trạch (Bố Trạch). Riêng địa bàn xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) và 6 thôn của xã Châu Hóa xử lý bằng công nghệ đốt. Bên cạnh đó, tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình khó khăn, dân cư thưa thớt, mạng lưới thu gom chưa được hình thành thì người dân tự thu gom và xử lý tại chỗ.
Đến hết tháng 9 năm 2023, công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, nguồn kinh phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường còn thấp đã phần nào ảnh hưởng đến công tác thu gom, xử lý chất thải.
Thiếu phương tiện thu gom, vận chuyển
Theo báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh thì trên địa bàn tỉnh, lượng rác thải chưa được thu gom, xử lý bảo đảm hợp vệ sinh vẫn còn lớn (khoảng 105 tấn/ngày), tỷ lệ thu gom tại một số địa phương còn thấp. Tình trạng xả rác gây ô nhiễm khu vực công cộng vẫn còn xảy ra; một số khu vực tập kết rác thải tự phát gây mất mỹ quan, có nguy cơ ô nhiễm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, như: Ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân, tổ chức trong chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường chưa cao, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định; công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện rộng rãi, thiếu đồng bộ. Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, giao thông đi lại khó khăn, công tác thu gom vận chuyển chưa được thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả thấp. Đặc biệt là, các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chưa đáp ứng với yêu cầu.
Đơn cử, lượng rác thải sinh hoạt thu gom, vận chuyển trên địa bàn huyện Quảng Trạch mỗi ngày khoảng trên 40 tấn, trong đó đơn vị thu gom đảm nhiệm việc thu gom, vận chuyển rác của 4 xã khu vực trung tâm huyện, 13 xã còn lại do địa phương tự tổ chức thu gom, hợp đồng phương tiện vận chuyển đến bãi xử lý. Tuy nhiên, Ban Quản lý các công trình công cộng hiện chỉ có 1 xe chở rác chuyên dụng và không có bất kỳ 1 thùng rác hay xe đẩy nào cả nên năng lực thu gom, vận chuyển rất hạn chế, chỉ đáp ứng được cho địa bàn 4/17 xã của huyện Quảng Trạch. Ở khu vực xã Quảng Phú và Quảng Đông hiện có 2 xe chuyên dụng trọng tải 2,5 tấn/xe của các tổ dịch vụ tự đầu tư để phục vụ nhu cầu trên địa bàn, còn lại các xã khác thì tự thuê xe ben vận chuyển rác, không bảo đảm vệ sinh môi trường. Đơn vị Ban Quản lý các công trình công cộng cũng nhận rõ những khó khăn, thách thức và hiện đang đề xuất kinh phí tăng cường mua thêm xe chở rác chuyên dụng cũng các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu thu gom của các địa phương.
Cùng chung thực trạng, Ban Quản lý các công trình công cộng huyện Lệ Thủy trước đây có 5 xe chở rác chuyên dụng nhưng 2 xe đã hết hạn lưu hành đường bộ, đang chờ thanh lý. Với số lượng xe còn lại, trọng tải từ 6-9 tấn/xe thì không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển rác cho các xã (chưa kể 2 xã Kim Thủy và Lâm Thủy).
Thiếu phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thu gom rác trên địa bàn tỉnh |
Song song với việc thiếu phương tiện thu gom, vận chuyển, hiện tại các đơn vị dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải cũng đang đối mặt với khó khăn khi giá thu gom rác rất nhiều năm rồi không được điều chỉnh.
Giá thu gom rác đang quá thấp, ở mức 35.000 đồng/hộ/tháng đối với phường và 27.000 đồng/hộ/tháng đối với xã từ 2018 đến nay, trong lúc lương đã tăng 2 lần và giá xăng dầu thì tăng liên tục. Công ty đang xây dựng đơn giá đề xuất tăng thêm, vì giá thu gom rác đang quá thấp, mà ngày nào công nhân cũng phải thực hiện thu gom.
Để nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, không để rác thải tồn đọng làm ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan ở đô thị cũng như vùng nông thôn. Đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, tin rằng trong thời gian tới, những tồn tại, hạn chế nói trên sẽ sớm được các cấp, ngành liên quan của tỉnh chung tay quyết tâm giải quyết một cách triệt để.