Tác động kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nông thôn đến tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, chuyên đề “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt” |
Tác động từ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị đến tình hình phát sinh CTRSH
Quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng với số lượng các ngành sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp và dịch vụ đô thị ngày càng phát triển đã tạo ra dòng di cư từ nông thôn ra thành thị. Phát triển kinh tế và đô thị hóa một mặt tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, tuy nhiên, mặt khác cũng tạo nên sức ép đối với môi trường, làm tăng lượng CTR phát sinh, đặc biệt là CTRSH.
CTRSH tại các đô thị chiếm đến hơn 50% tổng lượng CTRSH của cả nước, tăng từ 32.000 tấn/ngày năm 2014 lên 35.624 tấn/ngày trong năm 2019 (Bộ TNMT, 2015 & 2019a). Trong khi đó, hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa phát triển đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý không đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong những năm gần đây ô nhiễm môi trường từ CTRSH, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội.
Pháp luật về BVMT quy định việc xử lý CTR bằng phương pháp chôn lấp phải đảm bảo hợp vệ sinh, tuy nhiên, trên phạm vi cả nước chỉ có một số bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại các đô thị lớn. Tất cả các bãi chôn lấp lộ thiên, bãi đổ tạm trên cả nước đều chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định pháp luật, là nguồn gây ô nhiễm không khí với mùi hôi thối phát tán đến khu vực xung quanh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và làm đảo lộn cuộc sống của cư dân. Tuy nhiên, không chỉ các bãi lộ thiên, bãi đổ tạm gây ô nhiễm môi trường mà ngay cả các bãi chôn lấp hợp vệ sinh cũng tồn tại nhiều vấn đề môi trường gây bức xúc. Cả nước có 116 bãi rác thuộc đối tượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020) và đến 2019 mới chỉ có 08 bãi rác hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.
Bãi rác xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu |
Tác động từ phát triển nông thôn đến tình hình phát sinh CTRSH
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động tại khu vực nông thôn tương đối chậm, tuy nhiên, cơ cấu ngành sản xuất ở nông thôn đang ngày càng đa dạng và được đẩy mạnh. Song song với sự chuyển biến tích cực trong phát triển nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội vẫn còn lạc hậu, vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều vấn đề bất cập. CTRSH phát sinh tại khu vực nông thôn có khối lượng ngày càng tăng, từ 18.200 tấn/ngày trong năm 2011 lên 28.394 tấn/ngày trong năm 2019 (Bộ TNMT, 2012 & 2019a). So với khu vực đô thị, mặc dù dân số khu vực nông thôn cao gấp hai lần, nhưng khối lượng CTRSH phát sinh chỉ chiếm khoảng 45% tổng lượng CTRSH của cả nước. Hiện nay, CTRSH phát sinh tại nhiều vùng nông thôn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định và là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nông thôn.
Bãi rác huyện Giồng Riêng, tỉnh Kiên Giang |
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.