Thanh Hóa điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn

26/08/2020 12:10 Quản lý nguồn thải
Phương án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 xác định, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 90% tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường.
Phương án xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050 của tỉnh Thanh Hóa
thanh hoa dieu chinh quy hoach quan ly chat thai ran
Thanh Hóa xem xét điều chỉnh 5 khu xử lý rác thải tập trung của những giai đoạn trước, thành 3 khu xử lý tập trung trong thời gian tới.

Từ năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quy hoạch điều chỉnh quản lý chất thải rắn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 5 khu xử lý rác trọng điểm và 75 khu xử lý tập trung tại các địa phương. Sau gần 5 năm thực hiện, quy hoạch này đã đạt được những kết quả nhất định, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng nhiều, lượng chất thải rắn phát sinh vượt quá dự báo. Nhiều khu xử lý chất thải ít phát huy hiệu quả, một số khu xử lý triển khai chậm, nhiều khu khác bị quá tải, gây ồn ứ làm ô nhiễm môi trường… Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là việc làm cần thiết và cấp bách.

Trên cơ sở đó, Tỉnh Thanh Hóa đã điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 90% tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường. Các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường; lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ sản xuất nhiệt điện, phân bón; chất thải rắn nguy hại phát sinh từ sản xuất; chất thải rắn trong xây dựng; bùn thải… đều được thu gom xử lý với tỷ lệ từ 80 đến 100%, tùy điều kiện và khả năng thực tế. Đến năm 2045, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; hạn chế đến mức thấp nhất việc chôn lấp chất thải rắn như tại nhiều địa phương hiện nay.

Tỉnh Thanh Hóa cũng xem xét điều chỉnh 5 khu xử lý rác thải tập trung của những giai đoạn trước, thành 3 khu xử lý tập trung trong thời gian tới, gồm: Cụm xã Đông Nam, huyện Đông Sơn để xử lý rác thải cho TP. Thanh Hóa và huyện Đông Sơn; Cụm xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia để xử lý cho huyện Tĩnh Gia và Khu Kinh tế Nghi Sơn mở rộng; Cụm khu xử lý rác thải tập trung tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn trên cơ sở xây dựng 3 phương án xử lý rác; đồng thời bỏ 2 khu xử lý tập trung tại các xã Xuân Phú (Thọ Xuân) và Cẩm Châu (Cẩm Thủy) ra khỏi quy hoạch; thay vào đó, các huyện, thị xã còn lại sẽ xây dựng khu xử lý riêng cho từng địa phương trên cơ sở đốt triệt để hoặc xử lý hỗn hợp, hạn chế việc chôn lấp. Riêng 5 huyện miền núi cao của tỉnh, vẫn có thể chôn lấp hợp vệ sinh tại các địa điểm phù hợp, do huyện đề xuất.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng và các địa phương để xác định vị trí cụ thể các khu xử lý rác cấp huyện. Các đô thị phảo có quy hoạch vị trí đổ rác thải xây dựng, bê tông tươi dư thừa và bùn thải nạo vét. Với các khu đốt hoặc chôn rác nhỏ lẻ hiện tại, cần quy hoạch lại trên cơ sở mở rộng, nâng cấp nhưng bảo đảm yêu cầu theo các tiêu chuẩn; những khu xử lý không bảo đảm điều kiện môi trường cần phải dừng hoạt động theo lộ trình phù hợp. Các ngành, địa phương cần tăng cường quản lý Nhà nước với các cơ sở xử lý rác thải nguy hại, rác công nghiệp và rác thải y tế.

Quang Minh
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động