Thắt chặt pháp lý để chống gian lận chuyển giá
Tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế Doanh nghiệp xuất khẩu hàng trăm tỉ, nhân viên "lèo tèo" bị nghi gian lận thuế Thủ tướng chỉ đạo chống gian lận xuất xứ |
Ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế đang tích cực xây dựng 5 nghị định và 8 thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế năm 2019 (Luật số 38/2019/QH14) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong đó, giao dịch liên kết là một trong những nội dung được chú trọng làm rõ và cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn.
Liên quan đến nội dung này, điểm đáng chú ý nhất tại Luật số 38 là người nộp thuế có nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu khi phát sinh giao dịch liên kết. Đồng thời, người nộp thuế phải thực hiện kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập.
Hồ sơ khai thuế của người nộp thuế phải có báo cáo lợi nhuận liên quốc gia trong trường hợp người nộp thuế là công ty mẹ tối cao của tập đoàn tại Việt Nam có phát sinh giao dịch liên kết xuyên biên giới và có mức doanh thu hợp nhất toàn cầu vượt mức quy định, hoặc người nộp thuế có công ty mẹ tối cao tại nước ngoài mà công ty mẹ tối cao có nghĩa vụ lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia theo quy định của nước sở tại.
Cơ quan thuế sẽ mua dữ liệu của các giao dịch liên kết để chống tình trạng lợi dụng chuyển giá để trốn thuế. Ảnh: Minh Dũng |
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định kê khai, xác định giá tính thuế theo nội dung trên và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cho biết sẽ thực hiện quyết liệt nội dung "nghiêm cấm hành vi thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế" được quy định tại Luật này.
Ông Thành Xuân Lý - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Tổng cục Thuế cho biết, đây là cơ sở pháp lý để xử lý với các hành vi vi phạm, thậm chí, các hành vi này sẽ được chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo Bộ luật Hình sự tại nội dung về trách nhiệm của cán bộ thuế khi vi phạm.
Ngoài ra, cơ quan thuế cũng có quyền ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế như: không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết hoặc không cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.
Đáng chú ý, Luật số 38 quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết và bổ sung quyền của cơ quan quản lý thuế về mua thông tin, tài liệu, dữ liệu của các đơn vị cung cấp trong nước và nước ngoài để phục vụ công tác quản lý thuế.
Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Thế Mạnh nói rõ: "Đây là công việc bình thường của cơ quan thuế nhiều nước trên thế giới, nhưng với Việt Nam là điều mới mẻ. Nội dung này sẽ được cụ thể hóa ở nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Theo đó, sẽ nêu rõ loại tin và nội dung tin cần mua, cách thức mua, nguồn mua tin trong và ngoài nước. Cơ quan thuế sẽ chú trọng mua dữ liệu của các giao dịch liên kết để chống tình trạng lợi dụng chuyển giá để trốn thuế. Các tổ chức và cá nhân liên quan trong việc mua tin sẽ được giữ bí mật".
Ông Mạnh cũng cho biết, cơ quan thuế đang rất quyết liệt trong việc triển khai các giải pháp cần thiết để đạt hiệu quả cao nhất trong việc chống thất thu ngân sách từ gian lận chuyển giá.
Điểm đáng chú ý nhất tại Luật số 38 là người nộp thuế có nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu khi phát sinh giao dịch liên kết. Đồng thời, người nộp thuế phải thực hiện kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập. |