Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân làm việc tại Hải Dương về Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu

01/08/2019 12:38 Tăng trưởng xanh
Ngày 31/7, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về kiểm tra tình hình triển khai Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu.
thu truong vo tuan nhan lam viec tai hai duong ve de an bao ve moi truong luu vuc song cau
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân làm việc với UBND tỉnh Hải Dương
Tiếp và làm việc với Thứ trưởng, về phía UBND tỉnh Hải Dương có đồng chí Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) sông Cầu nhiệm kỳ 5 (2018-2020).
Mục đích của việc kiểm tra nhằm đánh giá việc thực hiện Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Cầu; tăng cường công tác trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm giữa các tỉnh trong lưu vực sông Cầu.
Nội dung kiểm tra tập trung vào kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ BVMT lưu vực sông Cầu, cũng như đánh giá tình hình xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu; đánh giá các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án; đồng thời khảo sát các cơ sở sản xuất/khu công nghiệp/cụm công nghiệp có xả thải ra lưu vực sông.

Lưu vực sông Cầu là một trong những lưu vực sông có hoạt động phát triển kinh tế - xã hội sôi động của các tỉnh phía Bắc, với diện tích 6.030 km2. Đây là một phần của lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình, có tổng chiều dài các nhánh sông khoảng 1.600 km, bao gồm gần như toàn bộ 6 tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên và một phần các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương.

thu truong vo tuan nhan lam viec tai hai duong ve de an bao ve moi truong luu vuc song cau
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân (thứ 2 từ trái sang) khảo sát Nhà máy xử lý nước thải TP Hải Dương
Tại cuộc họp Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng Đoàn công tác đã nghe báo cáo tình hình kiểm tra thực hiện Đề án BVMT lưu vực sông Cầu từ ngày 23 đến ngày 26/7-/2019, do đồng chí Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Cầu làm Trưởng đoàn.

Qua kiểm tra, các địa phương đã triển khai tích cực công tác BVMT và đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, đã xây dựng quy định về các ngành nghề cần hạn chế đầu tư trên lưu vực sông Cầu; quy hoạch khu xử lý chất thải, nước thải của vùng… Các tỉnh trên lưu vực sông Cầu cũng đã ban hành hơn 50 văn bản về BVMT tại địa phương liên quan đến việc tập trung xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt, BVMT làng nghề, khu vực nông thôn. Về hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác BVMT từng bước được xây dựng và dần hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương, tạo tiền đề thúc đẩy công tác BVMT. Các tỉnh trong lưu vực cũng đã triển khai hàng chục dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý góp phần BVMT trong lưu vực. thu truong vo tuan nhan lam viec tai hai duong ve de an bao ve moi truong luu vuc song cau
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thăm dây chuyền xử lý rác thải công nghệ mới ở Khu đô thị Ecorivers Hải Dương
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đây là địa phương cuối nguồn, hứng chịu sự tác động của ô nhiễm môi trường của các sông trong lưu vực. Môi trường nước, các con sông chính, đặc biệt là hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, môi trường không khí, nước ngầm… Hải Dương bị tác động nghiêm trọng. Theo kết quả quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2018-2019, môi trường nước trên các tuyến sông Thái Bình, sông Hương, hệ thống sông Bắc Hưng Hải, kênh mương nội đồng, khu nuôi trồng thủy sản, nước mặt làng nghề… hầu hết chất lượng nước kém, nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép. Nhiều khu công nghiệp, khu vực khai thác vật liệu xây dựng ở huyện Kinh Môn, TP.Chí Linh, môi trường không khí nhiều điểm vượt quy chuẩn cho phép. Hầu hết các bãi chôn lấp rác thải khu vực nông thôn địa bàn các huyện không bảo đảm yêu cầu về BVMT. Rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện mới xử lý được 50%. Nước thải sinh hoạt của khu dân cư mới chỉ thực hiện thu gom, xử lý cho khu vực trung tâm thành phố Hải Dương cũ; còn lại toàn bộ nước thải sinh hoạt chưa được thu gom xử lý xả trực tiếp xuống kênh, mương, hồ, gây ô nhiễm nặng; nước thải được bơm cưỡng bức ra sông, gây ô nhiễm cho hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận tỉnh Hải Dương đã và đang có nhiều giải pháp quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường nước, chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường không khí, trước hết là việc lắp đặt hàng trăm trạm quan trắc tự động cả môi trường nước và không khí.

Thứ trưởng hoan nghênh tinh thần làm việc tích cực của Đoàn công tác kiểm tra tình hình triển khai Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu ở tất cả các tỉnh trong khu vực. Đoàn đã nêu những vấn đề nổi lên cần cảnh báo, những vấn đề bức xúc về BVMT trên địa bàn các tỉnh.

Thứ trưởng cũng ghi nhận các đề xuất của Đoàn liên quan đến công tác BVMT; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường theo quy định pháp luật, tránh xảy ra ô nhiễm môi trường đáng tiếc; kiểm soát tốt các nguồn thải trên lưu vực sông Cầu và các nguồn sông trên địa bàn; việc suy giảm chất lượng nguồn nước, khai thác khoáng sản ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; các điểm gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở Bắc Ninh, các cơ sở công nghiệp sản xuất thép, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng ở Hải Dương, Bắc Giang...

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hình thành các Tổ giám sát ở các điểm nhạy cảm, dễ gây ô nhiễm và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhằm tránh sự cố gây ô nhiễm môi trường đáng tiếc xảy ra. Đồng thời nhấn mạnh, sự cần thiết đối với việc BVMT nước, các con sông, môi trường không khí, nước ngầm, các tầng đất,… Thứ trưởng cho rằng, các tỉnh cần xác định, để phát triển bền vững thì bảo đảm môi trường là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Do vậy, Hải Dương và các tỉnh trong lưu vực cần làm tốt công tác quy hoạch BVMT. Thực hiện tốt công tác xử lý rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt; tập trung đầu tư công nghệ đốt rác phát điện, tạo nguồn năng lượng điện tại chỗ, sử dụng nhiệt hỗ trợ công nghiệp; thực hiện mỗi tỉnh một mô hình, một công trình tiêu biểu xử lý bảo đảm môi trường,…

Đặc biệt, trong công tác bảo đảm môi trường cần xem việc phòng ngừa là chính, bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra thường kỳ và đột xuất; cần thiết phải công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các tỉnh trong lưu vực sông Cầu cần đẩy mạnh kết nối giữa các tỉnh, phối hợp các ngành, các địa phương với nhau trong ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường.
Trần Tuấn – Mai Chi
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động