Tiềm năng điện mặt trời tại Việt Nam

26/08/2019 11:08 Tăng trưởng xanh
Bên cạnh lợi thế là một trong những nước nằm trong dải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ mặt trời của thế giới, thì chính sách ưu đãi của Chính phủ đã và đang tạo động lực để điện mặt trời (ĐMT) ở Việt Nam tăng tốc.
Điện mặt trời hút nhà đầu tư ngoại Lựa chọn công nghệ năng lượng tái tạo thích hợp với Việt Nam
tiem nang dien mat troi tai viet nam
Bức xạ mặt trời là nguồn tài nguyên to lớn cho ĐMT phát triển tại Việt Nam. Ảnh: Minh Thi

Thuận lợi từ điều kiện tự nhiên…

Với vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp mạnh, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như: Thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học… Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo cho thấy, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ, 20.000 MW điện gió, 3.000 MW điện sinh khối, 35.000 MW ĐMT…

Cũng theo bản đồ tiềm năng ĐMT do Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư, tài nguyên ĐMT của Việt Nam khá dồi dào với nguồn bức xạ nhiệt khoảng 2.056 kW/m2/năm và kéo dài từ các tỉnh miền Trung đến khu vực ĐBSCL. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực ĐMT rất lớn.

Cụ thể, tại những vùng như Tây Nguyên, Nam Trung bộ, số giờ nắng sẽ đạt được từ 2.000 đến 2.600 giờ mỗi năm. Lượng bức xạ mặt trời tính trung bình khoảng 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000 đến 5.000 giờ mỗi năm.

Theo đó, các địa phương ở phía Bắc có bình quân 1.800-2.100 giờ nắng/năm, trong khi đó, các tỉnh phía Nam và TP HCM có mặt trời chiếu rọi quanh năm, ổn định kể cả vào mùa mưa với số giờ nắng trung bình năm cao hơn, từ 2.000-2.600 giờ/năm. Vì vậy, bức xạ mặt trời là nguồn tài nguyên to lớn cho các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Nhiều ưu đãi từ chính sách vĩ mô

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỉ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020; 186 tỉ kWh năm 2030 và đạt 452 tỉ kWh năm 2050.

Về mặt tương đối, tỉ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.

Để tạo động lực và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMT, Chính phủ đã có nhiều chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi cho phát triển ĐMT. Đặc biệt, Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg nêu rõ, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm 2 chiều, đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ cho 2 bên mua và bán điện mặt trời áp mái (ĐMTAM), đồng thời tạo động lực khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực đầu tư vào các dự án ĐMTAM.

Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển nêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt cơ chế như: Feed-in-Tariff cho ĐMT, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối… Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu…

Được biết, để thúc đẩy phát triển ĐMTAM tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025, Bộ Công Thương đã phê duyệt Quyết định 2023/QĐ-BCT ngày 5/7/2019 gồm 5 hợp phần là xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển ĐMTAM theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường; tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm; thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm; chương trình Chứng chỉ ĐMTAM và xây dựng hệ thống thông tin quản lý và chiến lược truyền thông.

Theo đó, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành các hoạt động như xây dựng, hoàn thiện chính sách về ĐMTAM; thực hiện các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho bên lắp đặt ĐMTAM; xây dựng bộ tiêu chí về tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm dành cho hệ thống ĐMTAM; triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính và tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về ĐMTAM.

Nhiều dự án ra đời

Với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, nhiều ưu đãi, hiện nay Việt Nam đang thu hút một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam nói chung và ĐMT nói riêng.

Nếu như năm 2014, nước ta mới có dự án ĐMT lớn đầu tiên là nhà máy quang năng Hội An, Côn Đảo với tổng đầu tư 140.000 euro (hoàn thành nối lưới vào điện lực Côn Đảo vào tháng 12/2014) thì tính đến cuối năm 2018, có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung vào quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án đã ký PPA, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW.

Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.

Thực tế, sau khi giá bán ĐMT được Chính phủ điều chỉnh tăng lên mức 9,35 cent/kWh vào tháng 4/2017, tại thời điểm đó trung bình mỗi tháng có 9 dự án sản xuất và phân phối điện gió và ĐMT được đăng ký. Đến cuối năm 2018, cả nước đã có 121 dự án ĐMT được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với tổng công suất phát dự kiến trước năm 2020 là 6.100MW.

Theo số liệu mới nhất, tính đến nay đã có hàng trăm dự án ĐMT được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW. Trong số này có nhiều dự án của các nhà đầu tư ngoại như dự án ĐMT công suất hơn 2.000 MW của Tập đoàn Thiên Tân đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận và Quảng Ngãi, hay dự án nhà máy công suất 30 MW tại Bình Thuận của Công ty TNHH DooSung Vina (Hàn Quốc).

Các doanh nghiệp trong nước cũng nỗ lực với những dự án có quy mô lớn như dự án 20 nhà máy ĐMT với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỉ USD của Tập đoàn Thành Thành Công; Tập đoàn Xuân Cầu đầu tư khoảng 2.000 MW ở Tây Ninh; Tập đoàn TH True Milk và Công ty Xuân Thiện đầu tư các dự án ĐMT tại tỉnh Đắk Lắk với công suất đặt khoảng 3.000 MW.

Điển hình như Công ty Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) đã là nhà cung cấp hệ thống chiếu sáng tại quần đảo Trường Sa (đạt giải thưởng Năng lượng toàn cầu 2012); dự án hệ thống lọc nước biển bằng năng lượng sạch trên đảo Song Tử Tây (đạt giải thưởng Năng lượng toàn cầu 2016),…

Trong 2017, SolarBK đã cung cấp giải pháp ĐMT cho thị trường nội địa lên đến 3 MWp, chiếm đến 30% thị phần nội địa. Trong tháng 10/2017, UBND TP. Đà Nẵng đã chính thức phê duyệt cho SolarBK thực hiện dự án trang trại điện năng lượng mặt trời (Solar Farm), có công suất 4,4 MWp được thực hiện tại Đà Nẵng. Đồng thời, với sự ủng hộ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, SolarBK bắt đầu triển khai ĐMTAM (PV Rooftop) tại khu vực phía Nam.

Tại TP HCM, công nghiệp ĐMT đã tạo dựng được một số cơ sở sản xuất tiêu biểu như nhà máy sản xuất Module Pin MT (PMT) quy mô công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng công nghiệp sản xuất chế tạo các thiết bị điện tử ngoại vi phục vụ cho ĐMT; Solar và Công ty CP Nam Thái Hà hợp tác xây dựng nhà máy “Solar Materials Incorporated”, có khả năng cung cấp cả 2 loại silic khối sử dụng cho công nghiệp sản xuất PMT.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, công nghiệp PMT TP HCM đã gần đi vào hoàn thiện, hiện chỉ còn thiếu 2 khâu trong quy trình khép kín, là tinh chế quặng silic từ cát và chế tạo phiến PMT từ phiến silic. Nếu hoàn thiện 2 khâu này, Việt Nam sẽ trở thành một trong số ít những nước ở châu Á có nền công nghiệp chế tạo PMT khép kín.

Từ những con số trên có thể khẳng định, ĐMT đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi đây được xác định là nguồn năng lượng chính để phát triển năng lượng tái tạo.

TS. Ngô Văn Tuấn - ĐH Ngân hàng TP. HCM
Theo VGP
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động