Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres kêu gọi đẩy mạnh hành động chống biến đổi khí hậu
Trước đó, theo báo cáo khoa học đánh giá toàn diện về các vấn đề khí hậu toàn cầu ngày 20/3 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc (IPPC) cho biết nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, là hậu quả của hơn 1 thế kỷ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, việc sử dụng đất và năng lượng không đồng đều, không bền vững.
Điều này đã dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn , gây ra những tác động ngày càng nguy hiểm đối với thiên nhiên và con người ở mọi khu vực trên thế giới.
Báo cáo cho rằng nếu nhiệt độ được giữ ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp thì việc giảm phát thải khí nhà kính sâu, nhanh và bền vững sẽ là cần thiết ngay trong thập kỷ này.
Để ứng phó với tình trạng trái đất nóng lên, IPCC đề xuất phương án "phát triển thích ứng với khí hậu" với việc đề nghị các chính phủ lồng ghép các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính vào chính sách phát triển. Khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch để cải thiện sức khỏe; điện khí hóa carbon thấp, đi bộ, đi xe đạp và sự dụng phương tiện vận tải công cộng để cải thiện chất lượng không khí…
Tổng Thư ký LHQ: Báo cáo của IPCC như một "hướng dẫn cách tháo gỡ quả bom hẹn giờ khí hậu"- (Ảnh: Twitter IPCC) |
Theo trang tin Liên Hợp Quốc (UN.org) Tổng Thư ký Antonio Guterres đã mô tả báo cáo này như một "hướng dẫn cách tháo gỡ quả bom hẹn giờ khí hậu".
Người đứng đầu LHQ đã đề xuất với nhóm các nền kinh tế phát triển cao G20 về một "hiệp ước đoàn kết khí hậu" nhằm thúc đẩy nỗ lực đạt được việc thông qua chương trình nghị sự tăng tốc ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong đó, chương trình nghị sự kêu gọi các nước phát triển chấm dứt việc sản xuất điện từ than đá vào năm 2035; phần còn lại của thế giới vào năm 2040, đồng thời chấm dứt mọi hoạt động cấp phép hoặc tài trợ cho dầu khí mới cũng như mọi hoạt động mở rộng khai thác dầu mỏ và khí đốt hiện có.
Liên quan đến vấn đề đẩy mạnh hành động chống biến đổi khí hậu, ngày 15/6 phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Guterres hết sức quan ngại về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu hiện nay trên toàn cầu.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng chương trình nghị sự về khí hậu đang bị xem nhẹ. Đáng chú ý, vào thời điểm lẽ ra cần tăng tốc hành động thì lại có những dấu hiệu thoái lui.
Trước thực trạng đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh đã đến lúc thức tỉnh và hành động mạnh mẽ để xây dựng lại niềm tin dựa trên công bằng khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế theo hướng xanh hóa, thân thiện với môi trường.
Theo ông Guterres, vẫn có thể đạt được mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, song "chúng ta phải coi đây là thời điểm của hy vọng."
Ngoài ra, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết ông đã đề xuất Hiệp ước đoàn kết về khí hậu và cũng đã nêu một Chương trình nghị sự tăng tốc để đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Hiệp ước và chương trình nghị sự bao gồm việc kêu gọi các chính phủ, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và các bên liên quan khác thực hiện nghiêm túc các cam kết của họ.
Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh rằng các nước phát triển phải tuân thủ các cam kết về tài chính, thích ứng và đền bù cho những tổn thất, thiệt hại; phải thúc đẩy các ngân hàng phát triển đa phương tận dụng nguồn tài chính tư nhân nhiều hơn với chi phí hợp lý cho các nước đang phát triển để giúp các quốc gia này tăng đầu tư mạnh mẽ cho năng lượng tái tạo.
Cho rằng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch là "trái tim ô nhiễm" của cuộc khủng hoảng khí hậu, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh thế giới phải loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng và hợp lý, đồng thời thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ cho năng lượng tái tạo trong quá trình chuyển đổi cân bằng.
Biến đổi khí hậu có thể làm tăng các hình thức thời tiết cực đoan (Hình minh họa) |
Với việc nền nhiệt trung bình của trái đất tăng 1,5 độ C có thể khiến thế giới tiến gần hơn tới "điểm tới hạn" trong hệ thống khí hậu, dẫn tới sự tuyệt chủng của một số loài sống trên đất liền và trong đại dương, làm mất đi những rạn san hô giàu đa dạng sinh học, khiến băng tan nhanh hơn, nước biển dâng cao và tình trạng mất mùa nghiêm trọng hơn... Nếu sự tăng nhiệt ở mức 1,8 độ C, vào năm 2100, nhân loại có thể phải đối mặt với thời kỳ nhiệt độ và độ ẩm cực cao, đe dọa đến tính mạng./.
Mạnh Đức
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.