Xu thế ứng phó biến đổi khí hậu trong bối cảnh toàn cầu

12/11/2022 10:00 Tăng trưởng xanh
Trước xu thế biến đổi khí hậu (BĐKH) và bối cảnh toàn cầu mới, ứng phó với BĐKH ở nước ta phải chuyển sang một giai đoạn mới, cần được đặt ở vị trí trung tâm, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu và được thực hiện hiệu quả, thực chất và minh bạch. Những vấn đề này đã được Bộ TN&MT làm rõ và đưa vào dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quyết liệt tạo bước chuyển thực chất

Nếu như tại Hội nghị COP21 (năm 2015), Việt Nam tham gia với tư cách là một quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính tự nguyện theo khả năng thì đến COP26 (năm 2021), Việt Nam đã chủ động sánh vai với 150 quốc gia tham gia vào cam kết giảm phát thải lớn nhất thế giới - Phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030, cam kết chống suy thoái rừng và chuyển đổi năng lượng sạch.

Áp lực đè nặng lên các bộ, ngành địa phương bởi trước đó, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tối đa đến năm 2030 là 27%, với điều kiện có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế (Theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật). Dự thảo Chiến lược đưa ra mốc thời gian đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam phải giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường, đạt đỉnh vào năm 2035 để sau đó giảm nhanh. Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”.

Xu thế ứng phó biến đổi khí hậu trong bối cảnh toàn cầu

Việt Nam đặt mục tiêu chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, cùng cộng đồng quốc tế giảm phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050.

Mức tăng đáng kể cho thấy, Việt Nam quyết tâm “chuyển đổi về chất trong công tác ứng phó với BĐKH” - như lời của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tại cuộc họp tham vấn với các đối tác phát triển. Đây là kết quả sau quá trình dài Bộ TN&MT phối hợp cùng các bộ tiến hành tính toán kỹ lưỡng, tham vấn địa phương để đề xuất đóng góp của mỗi ngành, lĩnh vực.

Lộ trình để hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 cũng chính là lộ trình triển khai Chiến lược, đảm bảo Việt Nam có thể chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH; giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội từ ứng phó BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế, hướng tới trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Yếu tố thuận lợi là Việt Nam đã có nền tảng pháp lý quan trọng, luật hóa công tác ứng phó với BĐKH thành một chương lớn trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Luật Đầu tư năm 2020 cũng quy định những ngành, nghề liên quan đến ứng phó BĐKH và chuyển đổi năng lượng nằm trong nhóm hưởng ưu đãi đầu tư. Đặc biệt, phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH là lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA.

Trợ lực quan trọng nữa đến từ khối ngoại. Từ sau khi diễn ra Hội nghị COP26 đến nay, các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế thể hiện rõ thiện chí với Việt Nam bằng cách liên tục cử các đoàn công tác cấp khu vực đến gặp gỡ, thảo luận cùng lãnh đạo cấp Chính phủ, cấp bộ về nhu cầu hỗ trợ trong bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH. Các cơ quan cũng tích cực, chủ động làm việc với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển để tranh thủ hợp tác về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực, ước tính giá trị lên tới hàng trăm tỷ đô la.

Mới đây nhất, trong khuôn khổ chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có nhiều cuộc tiếp xúc, hội đàm cùng lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế nhằm chia sẻ về định hướng công tác ứng phó BĐKH tại Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể và đã nhận được sự ủng hộ tích cực.

Huy động tổng lực

Dự kiến, Chính phủ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia để chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Bộ TN&MT chịu trách nhiệm chính tổ chức thực hiện Chiến lược trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh những nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, dự thảo Chiến lược thể hiện quan điểm: Ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào các hoạt động ứng phó với BĐKH; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá quá trình thực hiện Chiến lược. Nhà nước khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế trong đề xuất các sáng kiến thúc đẩy thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính, giám sát và đánh giá thực hiện Chiến lược.

Nguồn lực thực hiện bao gồm nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn của tổ chức, cá nhân, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án ứng phó với BĐKH, phát triển năng lượng tái tạo, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách; Rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; Rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; Xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; kế hoạch thực hiện giảm 30% khí metan; đẩy mạnh huy động đầu tư hạ tầng thích ứng với BĐKH…

Các hành động này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thể chế, chính sách về đầu tư ứng phó BĐKH và chuyển đổi năng lượng, góp phần thúc đẩy triển khai Chiến lược trong thời gian tới.

Dương Mỹ
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động