BAT: Áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có
Bài 4: Lựa chọn tiếp cận BAT
Bài 3: Quy định pháp lý về BAT của một số quốc gia trên thế giới Bài 2: Phương thức xác định BAT Bài 1: Gới thiệu về BAT |
1. Tiếp cận chính sách dựa trên công nghệ BAT
Trong phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, hiện có 2 cách tiếp cận chính: (i) tiếp cận dựa trên công nghệ (BAT và các khái niệm tương tự) và (ii) tiếp cận gắn với mục tiêu chất lượng môi trường (EQO). Công trình nghiên cứu De Jonge 1996 đã đưa ra bức tranh rõ nét về cả hai cách tiếp cận này. Trong đó, tiếp cận EQO để bảo vệ môi trường được dựa trên ý tưởng về môi trường mà chất lượng môi trường có mối liên hệ với các biện pháp xả thải và tiếp cận chi phí thấp nhất. Đó là tư tưởng nền tảng xem môi trường là nguồn khả dụng và có thể tái tạo.
Ở chiều ngược lại, tiếp cận BAT dựa trên nguyên tắc phòng ngừa và cho phép không cần xem xét tính không ổn định về mặt khoa học các rủi ro đi cùng các chất gây ô nhiễm. Đó là triết lý cơ sở của trường phái xem môi trường là nguồn có giới hạn và không tái tạo (tiếp cận của các nhà môi trường). Khái niệm BAT qua thời gian đã có những bước tiến triển mang tính khái quát, bao trùm các tiếp cận khác, xem xét đến các khía cạnh kinh tế của vấn đề. Trên thực tế, quá trình cấp phép, cả hai cách tiếp cận đều được sử dụng thay thế nhau lần lượt.
Bản chất Tiếp cận chính sách dựa trên BAT là phòng ngừa. Các kỹ thuật áp dụng chủ yếu diễn ra trước quá trình tái chế, xử lý và chôn lấp. Trong khi đó, tiếp cận EQO là tiếp cận đầu cuối, làm tăng chi phí sản xuất. Trên lý thuyết, công nghệ đầu cuối có thể xử lý mọi đầu ra của sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Vấn đề là chi phí và ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp. Ngưỡng mà doanh nghiệp có thể chịu đựng được về mặt chi phí đối với công nghệ đầu cuối cũng chính là tiêu chuẩn xả thải.Vì vậy, tiếp cận EQO còn được gọi là tiếp cận chi phí thấp nhất (cost minimization).
Sản xuất thực tế gồm 3 công đoạn chính: (i) quá trình đầu vào; (ii) quá trình chế biến và (iii) quá trình xử lý đầu cuối. Tiếp cận BAT chủ yếu các động vào 2 quá trình đầu tiên của sản xuất. Quá trình đầu vào bao gồm nhiều công nghệ/kỹ thuật như khai thác nguyên liệu/ khoáng chất, thiết kế đầu vào, các thiết bị, bảo quản lưu trữ. Bằng việc thay thế hóa chất đầu vào, hoặc thay đổi công thức phối trộn làm giảm đầu ra chất thải. Quá trình chế biến bao gồm nhiều công đoạn: các quy trình công nghệ, sử dụng hóa chất, năng lượng và nguyên liệu, công thức chế biến, trình tự công nghệ, duy tu và bảo dưỡng... Tính phòng ngừa thể hiện ở mục tiêu giảm thiểu phát thải trước khi xử lý, giảm áp lực/khối lượng phải xử lý bằng việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có đem lại hiệu quả sản xuất và môi trường.
Tiếp cận BAT có nhiều điểm giống với sản xuất sạch hơn (SXSH), song SXSH ít mang bản chất công nghệ, không tạo ra các thông số công nghệ. Theo hướng phòng ngừa, tiếp cận BAT gần với xu hướng công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ xanh/sạch.
2. Lựa chọn của doanh nghiệp
Có thể nói, tiếp cận dựa trên công nghệ BAT là tiếp cận của doanh nghiệp được doanh nghiệp lựa chọn. Trường hợp điển hình dưới đây cho thấy điều đó.
Hãng VOLVO của Thụy Điển, vào đầu những năm 2000 phải đáp ứng quy định chất bay hơi VOC (Volatile Organic Compound) 100 mg/m3 trong công đoạn sơn. Nhà máy đã lắp đặt thiết bị đầu cuối để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Tiếp đó, các kỹ thuật sản xuất sạch hơn được áp dụng đã đưa các chỉ số bay hơi về ngưỡng 80mg/m3, song dừng ở ngưỡng đó không thấp hơn được nữa. Các kỹ sư của hãng tiếp tục các thử nghiệm, họ đưa các đầu dò (sensor) vào buồng phun sơn để đo trực tiếp các thông số áp suất, tốc độ phun, mật độ sơn..Dựa trên các kết quả đo, các kỹ sư đã tổ hợp và tính toán để tìm ra phương án/chế độ sơn tối ưu. Kết quả của lựa chọn này, tiết kiệm được 30% nguyên liệu sơn song vẫn đảm bảo chất lượng sơn của sản phẩm, và quan trọng hơn đưa chỉ số bay hơi về chỉ còn 7mg/m3.
Ở vào thời điểm đưa chỉ số VOC 7mg/m3, kỹ thuật áp dụng còn chưa gọi là BAT. Có thể đó chỉ là nghiên cứu thử nghiệm tình cờ, song nhận ra rằng tiềm năng tạo ra các đột biến về thông số công nghệ là rất lớn. Các ứng dụng BAT trên thực tế cho phép giải quyết các thách thức môi trường và sản xuất. Tiếp cận đầu cuối làm tăng chi phí sản xuất, không phải là cách mà doanh nghiệp hướng tới. BAT trong hoàn cảnh này thực sự đem đến những gì mà doanh nghiệp mong đợi, những lợi ích cả về môi trường và kinh tế. Sự chênh lệch giữa 100mg/m3 với 7mg/m3 như thí dụ trên chính là sự khác biệt giữa tiếp cận theo cách cũ và tiếp cận theo BAT. Hơn nữa, BAT còn giúp giảm tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trên đơn vị sản phẩm, góp phần tăng hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp. Được biết, đến năm 2010 nghĩa là 5 năm kể sau khi VOLVO đạt được giá trị trên, EU mới điều chỉnh chỉ số bay hơi cho sản xuất ô tô từ 100mg/m3 xuống mức 70mg/m3, nhưng vẫn cao hơn 10 lần những gì BAT đã đạt được.
Thực tế điều tra cho thấy, rất nhiều kỹ thuật đang được doanh nghiệp áp dụng mang đến cùng lúc các tác động tích cực về môi trường và hiệu quả kinh tế. Ngành nhiệt điện bằng việc áp dụng các kỹ thuật phối trộn phụ gia giúp cho quá trình cháy triệt để hơn, giảm phát thải khí và hàm lượng cacbon trong tro xỉ sau đốt. Sản xuất thép áp dụng kỹ thuật sử dụng nhiệt dư để phát điện, giảm đáng kể nguyên liệu và tăng hiệu suất công nghệ. Lĩnh vực hóa chất cơ bản áp dụng thay thế màng amiăng bằng màng trao đổi ion đã tăng hiệu suất chế biến lên 98%, giảm nguyên liệu, cải thiện chất lượng sản phẩm và quan trọng hơn, loại bỏ hoàn toàn chất cấm/amiăng trong sản xuất và thải bỏ ra môi trường.
Ở khía cạnh khác, BAT đang trở thành cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp như dệt may. Nhờ áp dụng BAT, ngành dệt may đã có thể giải quyết các vấn đề thị trường xuất khẩu sang nhiều nước như EU, Hoa kỳ. Nhiều khách hàng nước ngoài yêu cầu phải có BAT đối với các lô hàng xuất khẩu, nếu không có quá trình chuyển đổi sang BAT sớm khó có thể đáp ứng các yêu cầu này. Điều này lý giải vì sao doanh nghiệp cần có BAT, và đó cũng chính là sự lựa chọn của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ với công nghệ thu hồi CO2 (nguồn ảnh: baotainguyenmoitruong.vn ) |
3. Tác động của lựa chọn BAT
Khác biệt lớn trong chính sách dựa trên công nghệ BAT hiện nay chính là chủ động tác động vào quá trình công nghệ, bằng cách đưa ra các bằng chứng về BAT và các quy định dựa trên BAT-AELs để tạo áp lực buộc phải thay đổi. Sản xuất là cạnh tranh, đổi mới công nghệ cũng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp cận BAT tạo xúc tác cho quá trình đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp Việt Nam thường thụ động, ít muốn thay đổi hoặc không có năng lực thực hiện. Chính sách dựa trên BAT là sự phổ biến các giá trị giới hạn mới, các kết quả nghiên cứu hay thành tựu khoa học và công nghệ, mang tính thực tiễn cao, tiếp sức cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Bằng cách này tạo ra động lực đổi mới công nghệ, kích hoạt quá trình đổi mới liên tục từ phía doanh nghiệp.
Hóa chất việt trìsử dụng màng trao đổi ion thay thế màng amiang (nguồn ảnh: vitrichem.vn) |
Nền kinh tế thế giới đang chuyển hướng sang tăng trưởng xanh, đáp ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận dựa trên công nghệ BAT cùng lúc đạt được hiệu quả trong sử dụng tài nguyên và giảm phát thải là cách tiếp cận phù hợp với xu hướng chung. Các quốc gia đang hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực chất là hướng đến nền công nghiệp công nghệ cao. Đó là nền công nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát huy cao nhất giá trị của tài nguyên thông qua công nghệ, điều này cũng chính là mục tiêu của BAT. Người ta nhận ra rằng phát thải thường đi cùng với cách thức sử dụng và chế biến tài nguyên. Doanh nghiệp mong muốn giải quyết các vấn đề môi trường như phát thải phải gắn liền với hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp. BAT chính là phương tiện để đạt mục tiêu đó. BAT bên cạnh đó, góp phần kiểm soát rủi ro/sự cố môi trường, nâng cao hiệu suất công nghệ, loại bỏ các hóa chất/nguyên liệu độc hại, thúc đẩy hiện thực mục tiêu hóa học xanh. Tiếp cận công nghệ đầu cuối sẽ chỉ làm tăng chi phí, điểm trừ về lợi ích và không phải sự lựa chọn tốt của doanh nghiệp. Theo đó, Tiếp cận theo BAT là hướng đi mới đáp ứng những kỳ vọng của doanh nghiệp.
Nhiều thập kỷ thực thi chính sách về môi trường, đã đến lúc nhìn nhận lại và tìm ra các tiếp cận phù hợp và hiệu quả hơn, dễ chấp nhận hơn với cộng đồng doanh nghiệp. Những ưu thế vượt trội và lợi ích nhiều mặt trong cách tiếp cận mới dựa trên BAT có sức thuyết phục lớn và trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều quốc gia. Việt Nam chắc chắn không nằm ngoài các xu hướng lựa chọn chung của nhiều nước.
Lê Minh Đức, Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam
Nguyễn Thị Hồng Lam, Viện Khoa học Môi trường