Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả Hội nghị COP25

20/02/2020 13:25 Tăng trưởng xanh
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị lần thứ 25 (COP25) các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tại Madrid, Tây Ban Nha từ ngày 02 đến 13 tháng 12 năm 2019. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các kết quả Hội nghị.
Việt Nam tham gia nhiều sự kiện bên lề COP 25
bao cao thu tuong chinh phu ket qua hoi nghi cop25
Đoàn Việt Nam tham dự phiên cấp cao COP25.

Tham dự Hội nghị, thành phần Đoàn gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ cùng đại diện một số doanh nghiệp có liên quan.

Đoàn đã tham gia các cuộc họp được tổ chức song song gồm: Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP15), Phiên họp lần thứ 2 Hội nghị các bên tham gia Thoả thuận Paris (CMA2), Phiên họp lần thứ 51 Ban bổ trợ thực hiện (SBI51), Phiên họp lần thứ 51 Ban bổ trợ khoa học và công nghệ (SBSTA51), các cuộc họp của Nhóm nước G77 - Trung Quốc; tham dự các sự kiện bên lề Hội nghị COP25 và nhiều cuộc tiếp song phương.

Tham dự COP25 có 22.354 đại biểu đến từ 196 quốc gia, 01 vùng lãnh thổ, 28 cơ quan của Liên hợp quốc, 23 cơ quan chuyên môn, 76 tổ chức quốc tế và 1.049 tổ chức phi chính phủ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Liên hợp quốc, Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC), Chủ tịch Ban liên Chính phủ về BĐKH (IPCC), Tổng thống Chi-lê, Tổng thống Tây Ban Nha, Tổng thống Kiribati, 02 Thủ tướng, 03 Phó Thủ tướng, 140 Bộ trưởng, 10 Thứ trưởng và nhiều cán bộ cấp cao khác của các quốc gia thành viên của UNFCCC đã tham dự Hội nghị.

COP25 dự kiến tổ chức tại Chi-lê từ 02 đến 13 tháng 12 năm 2019. Tuy nhiên, do tình hình nội bộ phức tạp nên Chi-lê đã quyết định chọn Tây Ban Nha là nơi tổ chức COP25, Chủ tịch COP25 vẫn là Chi-lê theo quy định của Liên hợp quốc.

Những phát biểu và nhấn mạnh quan trọng

Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: Để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay, các nước cần đoàn kết và linh hoạt; việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch (đặc biệt là việc tiếp tục xây dựng nhà máy nhiệt điện than với số lượng lớn ở một số khu vực), sản xuất nông nghiệp, vận tải, xây dựng và quy hoạch đô thị, sản xuất xi măng, sắt thép... đã góp phần làm cho trái đất nóng lên.

Để giải quyết tình trạng này, thế giới cần có tiến triển hơn trong định giá các-bon, chuyển từ đánh thuế thu nhập sang đánh thuế các-bon, không xây thêm nhà máy nhiệt điện than sau 2020; chấm dứt sử dụng tiền đóng thuế để trợ giá nhiên liệu hoá thạch. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cần đảm bảo công bằng, trong đó quan tâm đầy đủ đến tương lai của những công nhân bị ảnh hưởng, hỗ trợ họ về việc làm, giáo dục suốt đời và an sinh xã hội.

Để hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5oC vào cuối thế kỷ này, cần giảm phát thải 45% so với mức 2010 vào năm 2030 và đạt trung tính về khí hậu vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia không chỉ cần thực hiện nghiêm túc các cam kết đối với Thoả thuận Paris mà còn cần tăng mức cam kết (về giảm nhẹ, thích ứng và tài chính); các nước phát thải lớn cần làm nhiều hơn nữa; các nước cần sớm đạt thống nhất về cơ chế thị trường để huy động được sự tham gia của khu vực tư nhân thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải; cần đảm bảo huy động tối thiểu 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ các nước đang phát triển tiến hành các hoạt động giảm nhẹ phát thải và thích ứng với BĐKH.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh cam kết hiện tại của các nước trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) không đủ để kiềm chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5oC, nếu các nước không tăng cam kết thì nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng khoảng 3-4 oC, cần đầu tư để chuyển đổi cấu trúc trong hệ thống năng lượng, vận tải, sản xuất lương thực và đô thị toàn cầu. Việc thực hiện Thoả thuận Paris và chuyển đổi sang nền kinh tế chống chịu cao và phát thải các-bon thấp đòi hỏi sự huy động rộng rãi nguồn lực tài chính và đầu tư công, khu vực tư nhân, quốc tế và trong nước; hành động khí hậu là phương tiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cải thiện sinh kế. Chủ tịch COP25 công bố 39 nước đã cam kết đưa vấn đề đại dương vào trong NDC sắp tới và sáng kiến “Thích ứng và Chống chịu” đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động vì khí hậu (9/2019) giờ trở thành một phần trong Chương trình nghị sự khí hậu toàn cầu với 118 nước đóng góp.

Hội nghị có 03 Quyết định quan trọng nhất cùng có tên “Giờ là lúc hành động” được thông qua trên cả 3 kênh thảo luận song song COP25, CMP15 và CMA2.

Cùng với việc ra các Quyết định “Giờ là lúc hành động”, Hội nghị cũng thông qua 18 quyết định trong khuôn khổ COP25, 06 quyết định trong khuôn khổ CMP15, và 9 quyết định trong khuôn khổ CMA2. Các quyết định này mang tính hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện các hoạt động còn thiếu hướng dẫn như phạm vi của việc đánh giá định kỳ; Kế hoạch thích ứng quốc gia; bổ sung hướng dẫn thực hiện Thông báo quốc gia; hướng dẫn thực hiện Cơ chế phát triển sạch (CDM); hướng dẫn cho Quỹ khí hậu xanh; hướng dẫn cho Quỹ môi trường toàn cầu và các quyết định liên quan đến tài chính, hoạt động của các cơ quan có liên quan khác.

Hội nghị COP25 có 03 Quyết định quan trọng nhất cùng có tên “Giờ là lúc hành động” được thông qua trên cả 3 kênh thảo luận song song COP25, CMP15 và CMA2

Nội dung chính của các quyết định này là:

Thứ nhất, ghi nhận vai trò của chủ nghĩa đa phương và Công ước khí hậu trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến BĐKH và tác động tiêu cực của BĐKH; các tiến bộ quan trọng đạt được qua tiến trình đa phương trong khuôn khổ Công ước khí hậu; vai trò của Ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) trong việc cung cấp các luận cứ khoa học, đồng thời đánh giá cao các Báo cáo đặc biệt trong năm 2019 của IPCC về đất đai và BĐKH; đại dương và băng quyển và đề nghị các quốc gia tham khảo, sử dụng kết quả và hỗ trợ các nghiên cứu của IPCC; khẳng định các hành động ứng phó BĐKH hiệu quả nhất chỉ khi được xác định và thực hiện trên cơ sở thông tin khoa học tốt nhất hiện có và tiếp tục được đánh giá, điều chỉnh khi có những nghiên cứu mới hơn (1/CP25, đoạn 1, 5, 6).

Thứ hai, quan ngại tình trạng hệ thống khí hậu toàn cầu; quan ngại nghiêm trọng nhu cầu cấp thiết cần giải quyết vào năm 2020 khoảng cách đáng kể giữa hiệu quả của các nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính toàn cầu và kịch bản phát thải để đạt mục tiêu của Công ước là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở dưới ngưỡng 20C và tiến tới hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp; nhấn mạnh sự cấp thiết phải tăng kỳ vọng để đảm bảo các quốc gia nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH ở mức cao nhất (1/CP25, đoạn 8-10).

Thứ ba, tiếp tục khẳng định nhu cầu thích ứng với BĐKH là mục tiêu ưu tiên quan trọng; việc cung cấp các nguồn lực tài chính cần cân bằng giữa thích ứng và giảm nhẹ, có xét đến chiến lược, mức độ ưu tiên và nhu cầu của quốc gia; nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần được hỗ trợ và những thách thức đối với các nước đang phát triển trong việc tiếp cận nguồn lực tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực để thực hiện thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; ghi nhận vai trò quan trọng của các bên không phải thành viên Công ước trong việc thúc đẩy các mục tiêu của Công ước (1/CP25, đoạn 5, 6, 9, 12, 26, 27, 28).

Thứ tư, quyết định sẽ tổ chức tại COP26 phiên thảo luận bàn tròn giữa các nước thành viên UNFCCC và các bên không phải thành viên về thực hiện cam kết trước năm 2020 và kỳ vọng; yêu cầu Ban Thư ký chuẩn bị báo cáo về sự kiện này vào năm 2021 để làm cơ sở cho việc đánh giá định kỳ lần thứ hai (1/CP25 đoạn 18-21).

Thứ năm, hoan nghênh sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hành động vì khí hậu tháng 9 năm 2019. Hội nghị Thượng đỉnh đã tạo thêm động lực để các nước tăng kỳ vọng trong ứng phó với BĐKH; ghi nhận các quốc gia, tổ chức đã công bố các sáng kiến và liên minh tự nguyện tại Hội nghị Thượng đỉnh cũng như các quốc gia chủ trì và tham gia các sáng kiến này (1/CP25, đoạn 24, 25).

Thứ sáu, ghi nhận nỗ lực của các quốc gia trong việc làm rõ vai trò quan trọng của đại dương trong mối quan hệ mật thiết với hệ thống khí hậu; việc bảo vệ đại dương và hệ sinh thái ven biển trong bối cảnh BĐKH; yêu cầu Chủ tịch Ban Bổ trợ khoa học và công nghệ (SBSTA) của UNFCCC tại khoá họp lần thứ 52 (tháng 6 năm 2020) sẽ tổ chức các hoạt động: Đối thoại về đại dương và BĐKH để xem xét cách thức tăng cường nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH; Đối thoại về mối quan hệ giữa đất và thích ứng với BĐKH (1/CP25, đoạn 30, 31).

Thứ bảy, khuyến khích các quốc gia sử dụng việc rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2020 để nâng mức kỳ vọng trong ứng phó với BĐKH; khuyến khích các quốc gia cung cấp thông tin cần thiết để làm rõ các nội dung trong NDC (1/CMA2, phần mở đầu và đoạn 7, 9).

Thứ tám, kêu gọi các quốc gia đệ trình vào năm 2020 Chiến lược phát triển phát thải ít các-bon của quốc gia với tầm nhìn đến năm 2050; sớm đệ trình Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) (1/CMA2 đoạn 11, 12).

Thứ chín, nhắc lại cam kết của các nước phát triển đóng góp 100 tỷ đô la mỗi năm vào năm 2020 để thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có ý nghĩa và minh bạch tại các nước đang phát triển; kêu gọi các nước phát triển tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH tại các nước đang phát triển, khuyến khích các quốc gia, tổ chức khác đóng góp tài chính tự nguyện (1/CP25, đoạn 11; 1/CMA2 đoạn 16).

Thứ mười, hoan nghênh các quốc gia đã phê chuẩn Sửa đổi bổ sung Đô-ha của Nghị định thư Kyoto (Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2), kêu gọi các quốc gia chưa phê chuẩn cần khẩn trương thực hiện để Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2 có hiệu lực (1/CMP15 đoạn 3, 4).

Cùng với việc ra các Quyết định “Giờ là lúc hành động”, Hội nghị cũng thông qua 18 quyết định trong khuôn khổ COP25, 06 quyết định trong khuôn khổ CMP15, và 9 quyết định trong khuôn khổ CMA2. Các quyết định này mang tính hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện các hoạt động còn thiếu hướng dẫn như phạm vi của việc đánh giá định kỳ; Kế hoạch thích ứng quốc gia; bổ sung hướng dẫn thực hiện Thông báo quốc gia; hướng dẫn thực hiện Cơ chế phát triển sạch (CDM); hướng dẫn cho Quỹ khí hậu xanh; hướng dẫn cho Quỹ môi trường toàn cầu và các quyết định liên quan đến tài chính, hoạt động của các cơ quan có liên quan khác.

COP25 đã thể hiện ý chí chính trị và quyết tâm của các quốc gia trong ứng phó với BĐKH toàn cầu. Các đại biểu cấp cao có khoảng gần 150 đại biểu cấp Bộ trưởng trở lên tham dự Hội nghị. COP25 tuy không được như kỳ vọng của các Bên nhưng cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng phù hợp với ưu tiên của Việt Nam.

Trong đó, vấn đề thích ứng với BĐKH được nâng cao hơn tầm quan trọng so với các Hội nghị trước đó. Nhiều nước phát triển (chủ yếu là các nước Liên minh châu Âu) đã cam kết nâng cao gấp đôi mức đóng góp cho Quỹ khí hậu xanh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều bất đồng giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển. Bất đồng lớn nhất là về tăng kỳ vọng trong thực hiện Thỏa thuận Paris. Các nước phát triển cho rằng tăng kỳ vọng có nghĩa là tăng cam kết giảm nhẹ phát thải ở tất cả các quốc gia. Các nước đang phát triển coi tăng kỳ vọng là tăng cam kết về đóng góp tài chính và trách nhiệm giảm nhẹ của các nước phát triển.

Những bất đồng này được thể hiện qua việc không thông qua các quyết định liên quan đến các cơ chế thị trường và phi thị trường theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.

Các nội dung về tổn thất và thiệt hại, Kế hoạch hành động về giới, Minh bạch, Tài chính tuy được thông qua nhưng ngôn ngữ đã được lược bớt các vấn đề còn chưa thống nhất giữa các nhóm nước. Các quy định về tài chính khí hậu có một bước lùi quan trọng là không quy định trách nhiệm của các nước phát triển trong đóng góp tài chính xử lý vấn đề tổn thất và thiệt hại; không đưa ra được mục tiêu đóng góp tài chính đến 2025.

Các quy định về giảm nhẹ bị làm yếu đi, trong đó Hoa Kỳ, Ấn độ, Trung Quốc là những nước phát thải lớn đã từ chối nâng mức cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tuy đã có 80 nước đồng ý nâng cam kết giảm nhẹ phát thải, nhưng lại chủ yếu là những nước đảo nhỏ và chỉ chiếm dưới 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu nên có đóng góp không lớn vào nỗ lực hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Những nội dung cần đàm phán tiếp tại COP26 còn khá lớn để có thể hoàn thành bộ Hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris để các nước thực hiện từ 2021 trở đi. Vấn đề nông nghiệp, chi trả dịch vụ từ rừng, quản lý rừng bền vững cũng đã được làm sâu sắc hơn tại Hội nghị và lồng ghép vào các quyết định, hướng dẫn kỹ thuật của COP.

Theo Monre.vn
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động