Đầu tư bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển bền vững
Từ thực tế cho thấy, nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường và việc huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. Hiện chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường năm 2021 đã đạt trên 1% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một số địa phương, nhất là những địa phương có nguồn thu không đủ bù chi, chưa bố trí đủ 1% chi ngân sách cho BVMT. Vai trò của cơ quan quản lý môi trường trong việc quản lý và sử dụng kinh phí chi sự nghiệp môi trường chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan đầu mối và chịu trách nhiệm về quản lý môi trường.
Cùng với đó, các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội cho BVMT đã có nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế nên nguồn lực huy động chưa đáp ứng được nhu cầu. Thiếu nguồn lực đầu tư là thách thức lớn trong bối cảnh các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng, tích tụ ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý, khắc phục, cải tạo môi trường” chưa được áp dụng triệt để, mức chi chưa đúng, chưa đủ. Tỷ lệ đầu tư trở lại cho BVMT từ các nguồn thu liên quan đến môi trường còn thấp.
Đầu tư bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển bền vững. (Ảnh minh họa) |
Công tác lập và triển khai quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn tại các cấp còn chậm, chưa chú trọng quy hoạch có yếu tố liên kết vùng; thiếu cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư các khu xử lý chất thải công nghiệp quy mô cấp vùng có công nghệ xử lý hiện đại theo quy hoạch.
Giai đoạn 2022-2025, ngành TN&MT chủ trương huy động đầu tư từ xã hội, tăng dần chi ngân sách, nâng cao tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực về BVMT
Để thực hiện mục tiêu này cần rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách cho BVMT, các quy định về đấu thầu dịch vụ công ích về môi trường. Triển khai mạnh mẽ các hình thức đối tác công tư (PPP), đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong BVMT.
Về lâu dài cần tăng chi từ ngân sách nhà nước cho BVMT, bảo đảm tăng dần theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước; rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các nội dung chi ngân sách, ưu tiên cho tăng cường năng lực quản lý, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách.
Bộ TN&MT cho rằng, cần nghiên cứu, xây dựng triển khai một số chương trình/dự án trọng điểm nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng, bức xúc hiện nay; đặc biệt là các chương trình, dự án trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để có được nguồn lực ổn định cần từng bước hình thành và phát triển thị trường vốn cho BVMT; xây dựng và hoàn thiện các quy định, hệ thống tiêu chuẩn về tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Phát huy vai trò của Quỹ BVMT Việt Nam, khuyến khích thành lập các quỹ tư nhân tài trợ cho các sáng kiến BVMT của cộng đồng.
Đồng thời cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường đủ mạnh để giải quyết, xử lý các vấn đề môi trường. Chú trọng phát triển năng lực cung ứng dịch vụ môi trường, đặc biệt là tái chế, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó cần tích cực, chủ động đề xuất các dự án về BVMT để thu hút nguồn lực đầu tư từ các quỹ tài chính, các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới.; Thiết lập cơ chế, xây dựng tiêu chí và quy trình lựa chọn các dự án về BVMT, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.