Diễn biến chất lượng môi trường nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình
Diễn biến chất lượng môi trường nước lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng |
Hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển ở phía Bắc Việt Nam nói riêng và cả nước nói chung. Theo tính toán, 16% tổng lượng nước mặt ở Việt Nam là của lưu vực hai con sông này. Hàng ngày, hai hệ thống sông cung cấp hàng triệu m3 nước phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, canh tác nông nghiệp và sản xuất công nghiệp trong khu vực; đồng thời, góp phần thúc đẩy trao đổi hàng triệu tấn hàng hóa giữa các vùng, giữa đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc của Việt Nam với các quốc gia và khu vực trên thế giới.
Cần ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm nước trên lưu vực sông Hồng. |
Với diện tích lưu vực 88.860 km2, trải rộng từ vùng Trung du miền núi phía Bắc cho tới vùng đồng bằng sông Hồng, LVS Hồng - Thái Bình gồm một số sông lớn có diện tích lưu vực lớn hơn 10.000 km2 là sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đà và sông Lô. Trong giai đoạn 2014 - 2018, chất lượng nước các sông trên lưu vực có sự biến động đáng kể. Đặc biệt trong 03 năm gần đây (2016-2018), chất lượng nước trên các sông chính có xu hướng suy giảm.
Sông Hồng có đặc trưng tự nhiên là lượng phù sa lớn nên hàm lượng chất rắn lơ lửng (TTS) và sắt trong nước khá cao. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác khoáng sản và khai thác cát sỏi cũng làm gia tăng hàm lượng TSS và làm tăng độ đục trong nước. Thống kê tỷ lệ các thông số vượt chuẩn trên LVS Hồng - Thái Bình cho thấy, tỷ lệ vượt chuẩn của TSS (86,8%) và Fe (78,6%) là cao nhất. Tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, giá trị TSS ghi nhận được trong nước sông Hồng luôn ở mức cao hơn QCVN 08MT: 2015 (B1) và cao hơn các tỉnh khác như Hà Nam, Nam Định. Diễn biến hàm lượng TSS trong nước sông biến động rõ rệt theo mùa.
Vào mùa mưa (tháng 4 - tháng 10), hàm lượng TSS có sự gia tăng mạnh do nước mưa làm xói mòn các hợp chất bề mặt vào môi trường nước. Cục bộ tại một số khu vực cũng đã ghi nhận nước sông bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng như sông Hồng và phân lưu đoạn chảy qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nam Định; sông Thương đoạn chảy qua Bắc Giang. Trong giai đoạn vừa qua, cũng có một số sự cố môi trường xảy ra trong khu vực gây ô nhiễm nguồn nước, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Sông Bắc Hưng Hải là một hệ thống sông thủy lợi nhân tạo trên LVS Hồng - Thái Bình, lấy nước từ sông Hồng qua cống Xuân Quan, chảy qua địa bàn Tp. Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Hệ thống gồm sông chính có tổng chiều dài là 232 km và 2.000 km kênh các loại cung cấp nước chủ yếu cho hoạt động tưới tiêu nông nghiệp của 03 tỉnh là Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên. Trong những năm gần đây, môi trường nước hệ thống sông Bắc Hưng Hải đã bị ô nhiễm khá nghiêm trọng.
Kết quả quan trắc cho thấy, trên 90% các vị trí quan trắc trên sông có các thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh… vượt giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột B1 (nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi). Mức độ ô nhiễm đang ngày càng gia tăng, đặc biệt vào mùa khô (từ tháng 10 - 12) do hệ thống đóng để trữ nước gây tình trạng nước bị ứ đọng, thêm vào đó, nhiều năm qua hệ thống sông chưa được cải tạo, nạo vét lưu thông dòng chảy, khiến tình trạng ô nhiễm càng thêm trầm trọng.
Những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước sông Bắc Hưng Hải gồm: nước thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, làng nghề, cơ sở chăn nuôi… từ các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ (Hưng Yên), từ sông Sặt, sông Cửu An (Hải Dương), từ kênh Đại Quảng Bình, sông Dâu (Bắc Ninh); tình trạng rác thải sinh hoạt tồn đọng từ các bãi rác tự phát hai bên bờ sông, không được xử lý khiến nước rỉ rác, nước rác chảy xuống sông; ngoài ra, tại đầu nguồn hệ thống sông còn tiếp nhận lượng nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, dân sinh từ sông Cầu Bây (đoạn qua Long Biên và Gia Lâm - Hà Nội) đổ thải vào qua cống Xuân Thụy.
Sự cố do vỡ bể chứa bùn thải chì kẽm tại thị trấn Pắc Miều (Cao Bằng) gây ô nhiễm sông Gâm (Hà Giang) Vào tháng 1/2016, đã xảy ra sự cố vỡ cống thoát nước thải ngầm dưới đáy hồ chứa bùn thải của Nhà máy tuyển nổi chì kẽm của Công ty TNHH CKC tại Lạng Cá, thị trấn Pắc Miều, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Khoảng 2.000 m3 bùn thải đã thoát ra ngoài môi trường, chảy vào khu vực canh tác và qua suối Bản Khun chảy ra sông Gâm khu vực huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Khu vực sự cố bị sụt tạo thành một lòng chảo với đường kính khoảng 30m, chiều sâu khoảng 5 - 7m. Thành phần bùn thải thoát ra ngoài bao gồm bột đá, quặng chưa xử lý, ôxít của một số kim loại và hóa chất còn lại khi sử dụng các loại thuốc tuyển quặng chì kẽm. Sự cố đã gây ô nhiễm môi trường đất của khu vực sản xuất nông nghiệp lân cận. Nước sông Gâm cũng đã bị ô nhiễm nặng, tạm thời không sử dụng được cho sinh hoạt và sản xuất; một số lượng lớn cá tự nhiên, khoảng 01 tấn cá lồng nuôi và 103 con vịt nuôi bị chết. Nguồn: Tổng cục Môi trường tổng hợp, 2018 |
LVS Cầu là một trong những LVS lớn thuộc LVS Hồng - Thái Bình, có diện tích lưu vực khoảng 6.030 km2, trải dài trên địa bàn các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trên LVS Cầu cũng đã có những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường nước của LVS. Nhìn chung, trong giai đoạn 2014 - 2018, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và Ủy ban bảo vệ môi trường LVS Cầu trong việc quản lý và kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm, chất lượng nước trên LVS sông Cầu đã được cải thiện so với giai đoạn trước. Chất lượng nước sông ở nhiều nơi đạt mức tốt và rất tốt, nước có thể sử dụng tốt cho sinh hoạt, điển hình ở khu vực thượng nguồn sông Cầu đoạn chảy qua tỉnh Bắc Kạn và khu vực sông Công. Mặc dù cục bộ vẫn còn tồn tại một số khu vực chất lượng nước ở mức kém, tập trung khu vực chảy qua các vùng tập trung dân cư và làng nghề (Biểu đồ 3.6). Tuy nhiên, diễn biến qua 03 năm gần đây từ 2016 - 2018 cho thấy, nhiều khu vực trên sông Cầu, sông Công, sông Chợ Chu và sông Nghinh Tường, chất lượng nước đang có xu hướng bị suy giảm, đặc biệt là năm 2018. Nguyên nhân chính là do hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước khá cao, một phần do yếu tố dòng chảy và tác động của mưa lũ, tuy nhiên, một phần do các hoạt động khai thác khoáng sản (than, vàng, cát sỏi) trong khu vực đã làm gia tăng lượng lớn chất lơ lửng vào môi trường nước.
Một số khu vực đang bị ô nhiễm trên LVS Cầu gồm: ô nhiễm hữu cơ trên sông Cầu (từ đập Thác Huống đến khu vực cầu Mây, cầu Trà Vườn do tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư); cầu Trà Vườn một số thời điểm ô nhiễm Fe, Pb (có thể do ảnh hưởng từ nhà máy luyện kim); ô nhiễm chất rắn lơ lửng tại khu vực Tân Phú (sông Cầu), cầu Đa Phúc (sông Công) do hoạt động khai thác cát sỏi, trên sông Đu do chịu ảnh hưởng của mỏ than Phấn Mễ hay trên sông Nghinh Tường do hoạt động khai thác vàng tại Thần Sa (Biểu đồ 3.6). Tại một số suối trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng bị ô nhiễm chất hữu cơ, điển hình như suối Linh Nham, suối Phượng Hoàng, suối Loàng, do tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư và nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Sông Ngũ Huyện Khê vẫn là một trong những điển hình ô nhiễm nghiêm trọng của LVS Cầu do chịu ảnh hưởng của các cơ sở sản xuất và đặc biệt là các làng nghề trải dọc sông từ Đông Anh (Hà Nội) đến cống Vạn An (Bắc Ninh). Mặc dù so với giai đoạn trước, chất lượng nước sông Ngũ Huyện Khê đã có sự cải thiện nhưng vẫn thường xuyên bị ô nhiễm nặng (cầu Đào Xá, Văn Môn, Song Thát, Lộc Hà) .
Ô nhiễm sông Châu Giang khiến nước sủi bọt trắng xóa như "sông tuyết". |
LVS Nhuệ - Đáy thuộc LVS Hồng - Thái Bình, trải trên địa phận 6 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong giai đoạn 2014 - 2018, các đoạn sông chảy qua các đô thị và khu vực tập trung sản xuất vẫn tiếp tục bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Chất lượng nước năm 2016 bị suy giảm so với các năm trước đó. Tuy nhiên, đến năm 2017 - 2018, chất lượng nước tại một số khu vực có sự cải thiện hơn.
Chất lượng nước sông Nhuệ luôn ở mức thấp, đoạn sông qua nội thành Hà Nội, nước bị ô nhiễm nặng với giá trị WQI rất thấp. Ô nhiễm nước sông Nhuệ cũng đã và đang có những tác động đáng kể đến chất lượng nước khu vực hạ lưu, đặc biệt vào mùa khô. Sông Đáy có chất lượng nước tốt hơn sông Nhuệ, chất lượng nước có xu hướng tăng dần theo dòng chảy từ Hà Nội đến Ninh Bình, một số điểm trên địa phận Ninh Bình, nước có thể sử dụng cho sinh hoạt nhưng cần có biện pháp xử lý phù hợp.
Hầu hết các sông chảy trong khu vực nội thành thành phố Hà Nội đều đã và đang tiếp tục bị ô nhiễm khá nặng. Sông Tô Lịch, đoạn chảy qua khu vực nội thành từ Nghĩa Đô đến Cầu Sét, chỉ số WQI luôn có giá trị thấp (nhỏ hơn 25), nước thường xuyên bị ô nhiễm nặng và hầu như chưa có sự cải thiện qua các năm. Các sông nhỏ khác như sông Lừ, sông Sét, Kim Ngưu... cũng trong tình trạng tương tự.
Nguyên nhân chính là do từ trước đến nay, các sông này đều là nơi tiếp nhận và chứa phần lớn nước thải sinh hoạt của các khu dân cư của thành phố, hàm lượng các chất hữu cơ trong nước luôn vượt nhiều lần ngưỡng QCVN 08-MT:2015/BTNMT (B2). Theo thống kê trong giai đoạn 2014 - 2018, trên LVS Nhuệ - Đáy, hầu hết các thông số đều có tỷ lệ % giá trị vượt QCVN 08-MT: 2015/BTNMT (A2) từ 35,7% đến trên 90%. Trong đó, một số thông số có tỷ lệ vượt cao là Amoni, Nitrit và BOD5. Năm 2016 - 2017, tỷ lệ số giá trị vượt QCVN của các thông số có giảm nhẹ so với những năm trước nhưng không đáng kể.
Ô nhiễm bất thường trên sông Châu Giang Trong thời gian cuối năm 2017, đầu năm 2018, tình trạng ô nhiễm bất thường trên sông Châu Giang (khu vực chợ Lương, xã Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam) đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Kết quả quan trắc trong tháng 01/2018 tại khu vực này cho thấy, nguồn nước bị ô nhiễm các thông số DO, COD, BOD5, PO4+, N-NH4+, N-NO2-, Mn và E. Coli. Mặc dù, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm, tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính là do nước sông Nhuệ với hàm lượng các chất ô nhiễm cao cũng đã gây tác động đáng kể đến chất lượng nước sông Châu Giang. Nguồn: Tổng cục Môi trường, 2018 |