Vụ nước có mùi lạ ở Hà Nội:
Đối tượng xả thải dầu có thể bị phạt 10 tỉ đồng
Công ty Viwasupco phát hiện sự cố nhưng không báo cáo Vụ nước sinh hoạt có mùi lạ ở Hà Nội: Nước đã thực sự "sạch"? Nguyên nhân nước sinh hoạt có mùi lạ ở Hà Nội |
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, trong trường hợp chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước cho khách hàng, thì hành vi này là hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật. Việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra. Tùy vào hậu quả xảy ra mà hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Diệp Năng Bình |
Cũng theo người đứng đầu Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật, thiệt hại của hàng vạn người dân Hà Nội trong những ngày qua không chỉ là thiệt hại về tinh thần đến từ tâm lý hoang mang, lo lắng mà cả những thiệt hại về kinh tế khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt.
"Do đó, đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại của người dân. Tuy nhiên, do người dân không ký trực tiếp với Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà nên phải xem lại hợp đồng là đơn vị nào đã bán trực tiếp nước cho người dân và người dân kiện trực tiếp đơn vị đó" - Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Luật sư Bình phân tích, chất lượng nước sinh hoạt phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT (Thông tư 41) ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 41 quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, kết quả thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 5 của Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư này phải được đơn vị cấp nước công khai trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày có kết quả trên trang thông tin điện tử của đơn vị cấp nước các nội dung sau: Tổng số mẫu nước thử nghiệm và các vị trí lấy mẫu; Các thông số và kết quả thử nghiệm cụ thể của từng mẫu nước; Biện pháp và thời gian khắc phục các thông số không đạt Quy chuẩn.
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 41, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp; Lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch; Báo cáo biện pháp khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch; Công khai thông tin về chất lượng nước sạch;…
"Theo tôi, khi phát hiện ra sự việc, thì việc cần thiết là ngưng cấp nước để cho dòng chảy trở về với hiện trạng ban đầu. Bởi vấn đề ô nhiễm môi trường nước đang lan rộng và gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Hằng năm, nước bẩn giết chết nhiều người hơn cả chiến tranh và các hình thức bạo lực khác cộng lại. Nói một cách thẳng thắn, ô nhiễm nước ảnh hưởng đến tính mạng con người như thế, nhưng tôi không hiểu vì sao Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà vẫn tiến hành sản xuất và cấp nước về Thủ Đô. Theo tôi đó là một sự vô cảm, là thiếu trách nhiệm trầm trọng, coi thường tính mạng sức khỏe người dân" - Luật sư Bình bày tỏ quan điểm.
Đối với hành vi đổ trộm dầu thải xuống suối Khại (Kỳ Sơn, Hoà Bình), Luật sư Diệp Năng Bình cho biết: "Hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân mà còn là hành vi bất hợp pháp và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự".
Khu vực suối mà các đối tượng đổ trộm dầu thải. |
Cụ thể, theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỉ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, trong trường hợp gây ô nhiễm, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.