Giải pháp nào khắc phục ô nhiễm Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn?
Nhận diện ô nhiễm làng nghề |
Sản phẩm đá chẻ Hòa Sơn đã thành thành phẩm và chờ xuất xưởng |
Dự án Phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn được thực hiện nhằm quy hoạch, bố trí và sắp xếp lại Làng đá chẻ; phát triển nghề đá chẻ trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đưa các hộ sản xuất và hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng dự án đường ĐH2 vào hoạt động sản xuất đá chẻ tập trung tại khu vực quy hoạch; góp phần giải quyết việc làm, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; tiến đến xa hơn là thành lập Cụm công nghiệp Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn. Theo Đề án làng nghề đá chẻ Hòa Sơn có tổng diện tích đất quy hoạch là 119.509m2, trong đó, đất bố trí sản xuất đá chẻ là 41.769m2 (tương đương 202 lô). Việc phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn được phân kỳ đầu tư như sau: Năm 2020, thực hiện công tác giải tỏa đền bù, năm 2021-2022, đầu tư hoàn thiện hạ tầng dự án, từ năm 2023 trở đi, thực hiện bố trí, sắp xếp các hộ, cơ sở sản xuất vào Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào quản lý, hoạt động...
Nghề làm đá chẻ Hòa Sơn là nghề thủ công, được hiểu đơn giản là chẻ, cắt những khối đá lớn để trở thành đá trang trí nội thất. Có 3 công đoạn cơ bản để đá từ nguyên liệu đến thành phẩm gồm rã đá (đập đá), cắt đá, và chẻ đá thành phẩm. Các chủ cơ sở nhập đá nguyên liệu từ mỏ đá về trại làm đá. Thợ đập đá sẽ nhận khoán rã (đập) số đá nguyên liệu đó ra những bản nhỏ hơn. Sau đó thợ cắt đá sẽ cắt các khối đá đã được rã nhỏ thành những khổ đá có kích thước bề ngang và dài cụ thể như 10 x 20 (cm), 15 x 30 (cm)…. Khâu cuối cùng, các thợ chẻ đá lấy những viên đá đã được cắt thành khổ dùng búa nhỏ và đe để chẻ thành những viên đá có độ dày tùy theo đơn hàng (3mm, 5mm, 1cm, 2cm…)
Mặc dù là nghề khá đơn giản, lại có nguồn nguyên liệu dồi dào, có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng để trở thành một làng nghề có sức cạnh tranh lớn vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là làm sao giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn là một điều nhức nhối.
Từ nhiều năm nay, việc sản xuất tự phát nằm rải rác, công đoạn cắt xẻ, phá đá cũng gây ô nhiễm môi trường, gây nhiều bức xúc cho người dân sinh sống dọc tuyến ĐH2. Mỗi hộ sản xuất đều đã ký cam kết đảm bảo môi trường. Đa phần họ hoạt động trong các khu đất vườn của gia đình, với làm nghề nhỏ nên chính quyền xã chỉ theo dõi và nhắc nhở thường xuyên thôi. Còn hình thành làng nghề thì việc xử lý ô nhiễm môi trường sẽ được tính toán kỹ càng hơn, phải có khu xử lý nước thải tập trung, phải có hệ thống đấu nối nước thải vào khu xử lý nước thải. Nhưng điều này là vô cùng khó, cần phải có những tính toán kỹ càng và giải pháp thấu đáo.