Hà Nam: Chú trọng xử lý ô nhiễm tại Tây sông Đáy và sông Nhuệ

31/05/2023 11:19 Quản lý nguồn thải
Sau 2 năm triển khai, chương trình xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là khu vực Tây sông Đáy và sông Nhuệ đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Hà Nam: Chú trọng xử lý ô nhiễm tại Tây sông Đáy và sông Nhuệ

Sông Nhuệ qua tỉnh Hà Nam

Thực hiện Chương trình, 2 năm qua, tỉnh Hà Nam đã cấp hơn 109 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp môi trường cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, hỗ trợ các xã có hoạt động khai thác khoáng sản. Đến nay, 100% khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và thực hiện thu gom, xử lý nước thải đạt cột A-QCVN 40:2011/BTNMT- Quy chuẩn về nước thải công nghiệp và đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp đều đã có công trình xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 100%, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được xử lý đạt 92%. Địa bàn tỉnh hiện có hai nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với công suất 330-350 tấn/ngày. Việc vận chuyển, tiếp nhận và xử lý theo phân vùng nên không còn hiện tượng rác thải sinh hoạt ùn ứ tại các địa phương.

Thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025", toàn tỉnh đã trồng được hơn 900 nghìn cây xanh các loại. Giai đoạn 2021-2022, các đơn vị chức năng của tỉnh đã tổ chức 36 lớp tập huấn, tuyên truyền cho gần 1.800 lượt hộ nông dân, cán bộ kỹ thuật cơ sở về các quy định pháp luật chăn nuôi, thú y, thủy sản; các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, trên 10.000 hộ đã xử lý chất thải bằng hầm biogas; trên 70% số hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi như: sử dụng chế phẩm sinh học, ủ phân hữu cơ…

Khu vực Tây Đáy thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 62 dự án khai thác đá vôi đã đi vào hoạt động, trong đó 59 dự án đã được cấp giấy phép môi trường; 5/5 nhà máy xi măng lắp đặt và duy trì hệ thống quan trắc khí thải tự động, 3/5 nhà máy lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để phát điện. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đã chủ động thực hiện quét dọn, phun nước giảm thiểu bụi trên các tuyến đường 495B, 494C, 495C với tổng chiều dài khoảng 24 km, trồng trên 10 vạn cây xanh xung quanh khu vực đường vận chuyển, sân công nghiệp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam, thực hiện Chương trình xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là khu vực Tây sông Đáy và sông Nhuệ, các sở, ngành, địa phương đã chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường và đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, công tác xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để. Hệ thống thu gom và các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của các khu đô thị mới theo quy hoạch chưa được triển khai đầu tư xây dựng. Ý thức trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp còn hạn chế, chậm thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. Hầu hết các cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung…

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình, Hà Nam tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung huy động nguồn lực thực hiện các công trình xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý nước thải của các khu dân cư, khu đô thị, xử lý triệt để các cơ sở gây mô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt trong việc xây dựng và vận hành các công trình bảo vệ môi trường./.

PV
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động