Hàng chục hộ dân ở Yên Bái sống bất an dưới "bom bùn"

15/09/2019 17:34 Tác động môi trường
Hàng chục hộ dân ở thôn Phương Đạo 2 (xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái) đang sống trong thấp thỏm, lo sợ khi đập chứa đầy bùn nước của Công ty Cổ phần Khoáng sản Hưng Phát có nguy cơ sạt xuống bất cứ lúc nào.
Jetstar Pacific cần gì ở "siêu to khổng lồ"? Bánh Trung thu của bà Tân Vlog lên máy bay Jetstar Pacific: Con voi chui lọt lỗ kim...! Chuyện thật như đùa: Jetstar Pacific sử dụng bánh Trung thu của Bà Tân Vlog mời hành khách
hang chuc ho dan o yen bai song bat an duoi bom bun
Người dân xã Lương Thịnh lo sợ khi Công ty Cổ phần Khoáng sản Hưng Phát chưa có hồ sơ thiết kế hồ đập đảm bảo an toàn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Vượt con dốc dài, bụi mù với nhiều xe tải trọng lớn của Công ty Cổ phần Khoáng sản Hưng Phát chạy ầm ầm, phóng viên đã cùng hàng chục người dân thôn Phương Đạo 2 đội nắng lên thân đập đang được sửa chữa. Trước mắt chúng tôi là hồ chứa nước thải, bùn thải rộng lớn, đầy ắp với khoảng hàng triệu khối nước thải, bùn thải sền sệt, quánh đặc. Ngay dưới chân con đập này, hàng chục hộ dân đang sinh sống. Vị trí ngăn cách giữa các đập chứa bùn thải với khu dân cư chỉ là thân đập mong manh.

Thời gian gần đây, bà Hoàng Thị Vải (ở thôn Phương Đạo 2, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên) cùng người chồng cựu chiến binh bệnh tật và các con cháu sống trong cảnh lo sợ, phải đi ngủ nhờ nhà người khác. Chỉ tay lên phía con đập sừng sững ở trên lưng chừng đồi, bà Vải bức xúc: Vào ngày 3/9 vừa qua, con đập bị sạt chân và nứt, khiến người dân hoảng sợ. Lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng người dân, chính quyền xã đã vận động, di dời các hộ dưới chân đập, không cho ngủ lại ở nhà vào ban đêm.

Cũng như bà Vải, ông Tăng Văn Bột, người dân thôn Phương Đạo 2 chia sẻ: Nếu con đập bị vỡ, lượng bùn nước khổng lồ trên hồ sẽ dội thẳng xuống xóm làng bên dưới, khó ai chạy kịp... Cánh đồng Khe Tú, Thổ An, Nam Kho, Cửa Kho sẽ ngập toàn bộ luôn, không còn gì để ăn. Mặc dù Công ty đã sửa chữa nhưng chưa có gì khẳng định sẽ an toàn trong thời gian tới.

Ông Vũ Hùng Thịnh - Trưởng thôn Phương Đạo 2 cho biết, quá trình công ty hoạt động đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân vùng hạ lưu. Người dân và cử tri trong thôn ủng hộ hoạt động của công ty nhưng phải có cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt quan trắc môi trường, thẩm định hồ đập này có an toàn hay không.

Trước tình hình con đập bị vỡ, nứt, chính quyền xã đã cảnh giới, cảnh báo nhân dân và di dời một hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Theo báo cáo của UBND xã Lương Thịnh về sự cố sạt chân đập của Công ty Cổ phần Khoáng sản Hưng Phát: Vào khoảng 16h30 ngày 3/9, do mưa lớn kéo dài, vị trí đập chứa số 2 (đập chính) của công ty xảy ra hiện tượng sạt toàn bộ phần đá kè chân đập phía ta-luy âm dài khoảng 30m kéo theo một phần thân đập đất sạt, lở dài khoảng 25m, cao khoảng 20m. Kèm theo đó là các vết nứt dọc trên mặt đập dài khoảng 25m sát mép đập phía ta-luy âm. Sự cố trên gây mất an toàn hồ đập.

Nhận được thông báo của nhân dân, lãnh đạo UBND xã đã trực tiếp xuống hiện trường, kiểm tra thực tế, lập biên bản sự việc trên của Công ty Cổ phần Khoáng sản Hưng Phát.

Tại buổi làm việc giữa UBND xã, đại diện thôn Phương Đạo 2 với Công ty Cổ phần Khoáng sản Hưng Phát, UBND xã đã chỉ đạo công ty dừng ngay mọi hoạt động sản xuất tại nhà máy; khẩn trương bố trí nhân lực, phương tiện khắc phục ngay sự cố sạt chân đập để đảm bảo an toàn. Công ty bố trí người trực 24/24 giờ, cảnh báo, cảnh giới để kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Để đảm bảo an toàn trước mắt, tránh nguy cơ vỡ đập xảy ra, Công ty Cổ phần Khoáng sản Hưng Phát đã mở cửa xả tràn thoát nước hồ chứa số 2, giảm áp lực lên thân đập.

Đồng thời, UBND xã đã chỉ đạo thôn Phương Đạo 2 phối hợp cùng lực lượng dân quân, công an viên cảnh báo nguy hiểm tại khu vực đập chứa của Công ty Cổ phần Khoáng sản Hưng Phát để nhân dân biết, chủ động phòng tránh khi có tình huống xấu xảy ra. Thôn rà soát, vận động sơ tán, di dời hai hộ gia đình với 6 nhân khẩu phía dưới hạ lưu đập, trước cổng công ty là gia đình bà Vải và gia đình anh Thuấn ngay trong đêm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Ông Triệu Khánh Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết, những phản ánh của người dân là chính xác. Nếu có sự cố vỡ đập sẽ ảnh hưởng đến khoảng 30 hộ dân, trong đó có khoảng 10 hộ ảnh hưởng đến tính mạng.

Ông Thiện cho biết thêm, trước mắt, Công ty Cổ phần Khoáng sản Hưng Phát đã bố trí con người và phương tiện khắc phục, gia cố thân đập để đảm bảo trước mắt đề phòng tình huống vỡ đập, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc khắc phục chỉ là giải pháp tình thế, bởi việc khắc phục của Công ty Cổ phần Khoáng sản Hưng Phát đến thời điểm hiện tại chưa được chứng nhận, phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền. Xét về góc độ quản lý, rõ ràng hồ đập của Công ty này chưa đủ điều kiện an toàn. UBND xã đã làm việc với công ty và yêu cầu công ty cung cấp hồ sơ có liên quan đến việc thiết kế an toàn hồ đập trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, hồ sơ thiết kế của công ty này đến thời điểm hiện tại chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên chưa đủ điều kiện để an toàn trong quá trình sản xuất”

Được biết, Công ty Cổ phần Khoáng sản Hưng Phát đã khai thác, sản xuất quặng sắt hàng chục năm nay ở xã Lương Thịnh. Theo quan sát, đập nước được hình thành khi công ty đắp, chặn ngang đồi. Lượng bùn nước được thải ra trong quá trình khai thác quặng tồn tại trên đập là rất lớn.

Trước những phản ánh của người dân, phóng viên đã liên hệ làm việc với Công ty Cổ phần Khoáng sản Hưng Phát nhưng đơn vị này từ chối. Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết, hiện tại vẫn chưa có vấn đề gì xảy ra, nếu không có gì thay đổi, vào tuần tới sẽ có đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và huyện đến kiểm tra, thẩm định sự an toàn của con đập.

Mùa mưa bão đang diễn biến phức tạp, người dân thôn Phương Đạo 2 đang chờ đợi những kết luận của ngành chức năng và chính quyền địa phương về mức độ an toàn của con đập, để yên tâm làm ăn, sinh sống, không phải nơm nớp lo lắng về tính mạng và tài sản của mình.

Theo TTXVN
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động