Hội nhập quốc tế mang đến nhiều thuận lợi cho phát triển ngành Công nghiệp môi trường

27/10/2023 21:03 Nghiên cứu trong nước
Hội nhập quốc tế không chỉ đem đến cơ hội phát triển cho các ngành kinh tế nói chung, mà còn tạo ra nhiều lợi thế cho các ngành kinh tế đang trong quá trình hình thành và phát triển như ngành Công nghiệp môi trường.
Nhiều cơ hội phát triển các ngành kinh tế khi Việt Nam chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế
Nhiều cơ hội phát triển các ngành kinh tế khi Việt Nam chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế

Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, kết quả cho thấy từ các Bộ, ngành trung ương tới chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đều đã có sự cố gắng và nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết, góp phần đưa công tác hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được triển khai bài bản, có hiệu quả; đóng góp tích cực vào việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; thu hút nguồn lực to lớn cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong khi vẫn bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, đặc biệt là an ninh kinh tế, đấu tranh làm thất bại âm mưu ý đồ, hoạt động lợi dụng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam để can thiệp nội bộ, tác động chuyển hóa ta về chính trị.

Thông qua việc triển khai Nghị quyết số 49/NQ-CP, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Nhận thức trong cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành trung ương tới chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về các mặt liên quan quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từng bước được nâng cao. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Việt Nam đã hình thành được mạng lưới đối tác kinh tế quốc tế rộng lớn thông qua các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực và đa phương. Chúng ta hiện đã thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 nước, vùng lãnh thổ, ký 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 đối tác, đã có 71 đối tác công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Các thành tựu đạt được trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, nổi bật là kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, an sinh xã hội được chăm lo, đảm bảo hơn. Cán cân xuất, nhập khẩu hàng hoá được cải thiện rõ rệt, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, thị trường xuất khẩu được mở rộng và đa dạng. Các thị trường mà Việt Nam có ký kết các FTA thế hệ mới đều ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng hàng năm. Sự gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua hội nhập kinh tế quốc tế cũng đang là một động lực chính cho phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hội nhập quốc tế mang đến nhiều thuận lợi cho phát triển ngành Công nghiệp môi trường

Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng liên tục, áp lực lên môi trường ngày càng lớn thì Công nghiệp môi trường là ngành được các quốc gia quan tâm hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Ngành công nghiệp môi trường là ngành mới đang có những bước phát triển ổn định ở Việt Nam. Nhiều thiết bị, công nghệ, sản phẩm công nghiệp môi trường đang có giá trị cao trên thị trường trong nước, cạnh tranh về chất lượng, giá cả, tuổi thọ... Bên cạnh đó, một số sản phẩm đã đủ sức cạnh tranh, vươn ra thế giới khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới.

Hội nhập quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp trong phát triển ngành Công nghiệp môi trường. Nhà nước cũng đã chủ động đưa ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp công nghiệp môi trường tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng công nghệ cao; hạ tầng đáp ứng cho phát triển công nghiệp môi trường từng bước được hoàn thiện, đầy đủ và phù hợp với bối cảnh Việt Nam… Để phát triển ngành Công nghiệp môi trường đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình hội nhập quốc tế, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương tại mục 141 Điều 4 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành Công nghiệp môi trường quy định. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung các chỉ tiêu thống kê về ngành công nghiệp môi trường vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; tổ chức chỉ đạo định kỳ thực hiện công bố xã hội các thông tin thống kê về ngành Công nghiệp môi trường.

Nhằm hiện thực hóa chủ trường, chính sách về phát triển ngành Công nghiệp môi trường, ngoài Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định 192/QĐ-TTg ngày ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2023 về Danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành Công nghiệp môi trường. Đây cũng là cơ sở đề Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý các vấn đề môi trường quan trọng, lâu dài, quy mô cấp vùng, quốc gia, quốc tế ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước; ngăn ngừa ứng phó sự cố môi trường, thảm họa môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường tại địa phương nhằm tạo cơ sở, cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực ngân sách hỗ trợ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường đáp ứng các yêu cầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Song song với đó, từ những thành tựu nổi bật của Cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình hội nhập quốc tế cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, địa phương trong phát triển ngành Công nghiệp môi trường. Thông qua công nghệ mới, khoa học kỹ thuật cao, việc tuyên truyền về công nghiệp môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về công nghiệp môi trường đã đầy đủ hơn, thiết thực hơn và tạo ra sức ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của ngành. Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành, địa phương cũng đang huy động và tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp môi trường trong công tác đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường bên cạnh việc đầu tư đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả các công nghệ mới, sản phẩm mới để phát triển ngành công nghiệp môi trường; đảm bảo đủ trình độ và số lượng nhân lực để phục vụ cho làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường.

Quá trình hội nhập quốc tế không chỉ thu hút nguồn lực to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường công nghiệp môi trường Việt Nam. Việc này được thể hiện thông qua các Dự án về sản xuất các sản phẩm công nghiệp theo hướng xanh, Dự án cải tạo, phục hồi năng lượng; các Dự án chuyển giao công nghệ, thiết bị về xử lý nước thải, rác thải, khí thải…

Quá trình hội nhập quốc tế cũng tạo ra sự cân bằng trong cán cân xuất, nhập khẩu hàng hoá, thiết bị bảo vệ môi trường. Từ một nước chủ yếu nhập khẩu, đến nay Việt Nam đã chủ động nguồn cung trong nước, giảm nhập khẩu các thiết bị, linh kiện trong sản xuất và cơ bản đáp ứng được thị trường trong nước, hướng đến vươn ra thị trường các nước trên thế giới.

Có thể nhận thấy, thị trường hàng hóa, sản phẩm ngành Công nghiệp môi trường nhận được nhiều tín hiệu tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế. Đây không chỉ là thuận lợi, mà cũng là những thách thức đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ban, ngành địa phương cùng quyết tâm vào cuộc, cùng đồng lòng từ chủ trương, chính sách đến thúc đẩy thực hiện. Hy vọng đến năm 2025, việc phát triển ngành Công nghiệp môi trường sẽ đảm bảo được tất cả những kỳ vọng đặt ra trong Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định 192/QĐ-TTg ngày ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ./.

Đỗ Quý Thành
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động