Loạt dự án ma 'kiểu Alibaba'
Từ vài tháng nay, trên các trang chuyên đăng tải thông tin mua - bán bất động sản... xuất hiện thông tin quảng cáo một số dự án ở Sơn Tây, Xuân Mai như Golden Lake Hoà Lạc, Tiến Xuân Green, Adoland Capital 8, Hoà Lạc Lake View... Tuy nhiên, thực tế những dự án này chưa nằm trong danh sách phê duyệt của chính quyền địa phương, đất vẫn đang đứng tên các cá nhân.
Trên một trang tin, Hùng, một môi giới quảng cáo đang bán dự án khu dân cư Golden Lake Hoà Lạc (thuộc xã Cổ Đông, huyện Sơn Tây) với các lô biệt thự, liền kề, nhà phố, đất nền có đầy đủ cảnh quan cây xanh, tiện ích, kè hồ, sân khấu, bến thuyền, trung tâm mua sắm... nằm cạnh hồ tự nhiên rộng 3 ha. Dự án có diện tích 8ha, trong đó giai đoạn một gồm 100 lô đất nền và giai đoạn thứ 2 là 50 lô biệt thự với giá bán dao động từ 9,5 đến 18,5 triệu đồng mỗi m2. Đặc biệt, đơn vị bán hàng cũng quảng cáo các lô đất đã có sổ hồng vĩnh viễn và lợi nhuận đầu tư trung bình 30% một năm.
Khu đất được quảng cáo với tên gọi dự án Golden Lake Hoà Lạc. Ảnh: Nguyễn Hà |
"Cam kết hoàn tiền và đền bù 10% giá trị hợp đồng khi không giao sổ đúng thời hạn" - anh Hùng giới thiệu. Trên website đăng tin quảng cáo, môi giới này cũng chụp ảnh khu đất và một số hình ảnh phối cảnh 3D.
Tuy nhiên, ngày 20/9, có mặt tại dự án, lô đất này thực tế chỉ là một khu vườn trồng cây ăn quả bên cạnh một hồ tự nhiên, một phần được cho thuê làm sân tập lái xe. Khu đất cũng không có hạng mục nào đang được xây dựng. Một người dân sống gần dự án cho biết, khoảng 2 tháng trước rất nhiều môi giới đưa khách về xem đất. Tuy nhiên, thời gian gần đây thì thấy ít rầm rộ hơn, thỉnh thoảng có người vào hỏi thăm thông tin. Chị cũng không biết ở đây có dự án bất động sản nào hay không bởi thực tế lô đất vẫn không thay đổi so với trước đây và vẫn đang được dùng để trồng bưởi.
Ông Khuất Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Cổ Đông cho biết, lô đất được một số đơn vị quảng bá là dự án Golden Lake được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Thanh Hải và bà Ngô Thị Chanh. Trong văn bản này, mục đích sử dụng đất là trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản, với thời hạn sử dụng đất 46 năm. Tuy nhiên, theo quy hoạch nông thôn mới của xã Cổ Đông đã được phê duyệt, vị trí khu đất quảng cáo Dự án Golden Lake Hòa Lạc đã được quy hoạch làm trung tâm dưỡng lão của thành phố. Bởi vậy, theo ông Trường, lô đất của ông Nguyễn Thanh Hải không được chuyển đổi mục đích và được phép mua bán.
Thông tin rao bán dự án "ma" có tên gọi Tiến Xuân Green trên một số website đăng tin mua, bán bất động sản. Ảnh chụp màn hình. |
Ông Trường cho hay khi biết thông tin khu đất này đang được rao bán dưới dạng đất nền dự án thì UBND xã đã lập đoàn kiểm tra và có mời ông Nguyễn Thanh Hải lên làm việc. Tuy nhiên, ông Hải nói chưa rao bán cho ai lô đất nêu trên và cũng không liên quan đến đơn vị đang rao bán các lô đất nền này. Chủ tịch UBND xã Cổ Đông cũng có gửi giấy mời tới công ty đã quảng cáo bán dự án này, song doanh nghiệp không đến.
"Hiện công an đã vào cuộc điều tra việc mua bán dự án trên. Chúng tôi cũng thường xuyên có những cảnh báo trên loa phát thanh của xã để người dân trên địa bàn nắm được, tránh vướng tình trạng lừa đảo" - ông Trường nói.
Dự án Khu dân cư Tiến Xuân Green (xã Tiến Xuân, Quốc Oai) cũng được quảng cáo sinh lời lên đến 50% mỗi năm. Các lô đất đều được môi giới nói có giấy tờ pháp lý rõ ràng, sổ đỏ chính chủ, có đường nội khu 6 m, vỉa hè 1,2 m với giá bán 7-9 triệu đồng mỗi m2... Đặc biệt, các môi giới còn đăng hình ảnh sơ đồ phân lô, và hình ảnh được quảng cáo là khách hàng chen chân tham quan dự án. Tuy nhiên, khi đến nơi, lô đất vẫn chỉ là bãi bỏ, chưa được san đất hay làm hạ tầng.
Ông Quách Đình Thắng - Phó chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết khu đất đang được quảng cáo là Khu dân cư Tiến Xuân Green thuộc sở hữu của ông Trần Văn Hồng (thường trú ở huyện Thạch Thất). Tổng diện tích của khu đất là hơn một ha nhưng chỉ có 400 m2 đất ở, còn lại là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong khi đó, nếu muốn phân lô bán nền thì chủ đất phải lập dự án và làm các thủ tục chuyển đổi cũng như xin cấp phép với chính quyền địa phương. Bởi vậy, ông cảnh báo nhà đầu tư khi giao dịch các lô đất tại dự án này.
Ở dự án khu dân cư Adoland Capital 8, được giới thiệu trên đường Nông Lâm, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, một số môi giới cũng sử dụng chiêu thức tương tự để dẫn dụ nhà đầu tư. Một môi giới tên Hiếu quảng cáo đang bán dự án này với giá 8-11 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, đại diện một văn phòng môi giới ở đây cho biết, thực tế không có dự án này.
Đại diện UBND xã Phú Cát cũng cho biết khu đất trong giấy chứng nhận chỉ có 400 m2 là đất ở, còn hàng nghìn mét vuông khác là đất trồng cây lâu năm do người dân lên làm kinh tế mới. Nếu chuyển đổi sang đất ở thì cũng không quá 120 m2 theo quy định. Cũng theo ông, phía chính quyền địa phương khi biết thông tin rao bán lô đất dưới dạng dự án đã làm việc với đơn vị quảng cáo bán sản phẩm này yêu cầu không đăng bài bán đất với tên dự án khi chưa có căn cứ pháp lý, hoàn thiện thủ tục như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở.
Hiện tượng một số khu vực vùng ven Hà Nội từ đầu năm nay xuất hiện những khu đất chưa được phê duyệt, thậm chí chưa chuyển đổi mục đích sử dụng song vẫn được rao bán dưới dạng đất nền dự án, được giới kinh doanh nhà đất nhận định khá giống với mô hình của Địa ốc Alibaba. Mới đây, Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và em trai Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra bước đầu xác định có 6.700 người có thể là nạn nhân của công ty này, với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỉ đồng tại 40 dự án ma.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.