Lợi nhuận của FLC thấp nhất 6 năm
Máy bay của Bamboo Airways gặp sự cố ở độ cao gần 10.000m Bộ GTVT có đồng ý cho Bamboo Airways thay đổi người đại diện, tăng vốn điều lệ? Bamboo Airways thay đổi người đại diện, tăng số lượng máy bay |
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC vừa công bố Báo cáo tài chính quý III/2019 với khoản doanh thu tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Báo cáo mới nhất này cũng đánh dấu quý thứ 3 FLC chính thức đưa hãng hàng không Bamboo Airways vào vận hành khai thác thương mại.
Cụ thể, trong 3 tháng quý III, tập đoàn này đã ghi nhận 5.196 tỉ đồng doanh thu, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lãi gộp kỳ này của FLC đã giảm đáng kể từ mức 8,6% xuống vỏn vẹn 1,1% khiến lợi nhuận gộp công ty thu về được trong quý III chỉ đạt hơn 58 tỉ đồng, xấp xỉ 1/4 số thu cùng kỳ năm trước.
Dù doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn gấp đôi, việc lãi gộp suy giảm đáng kể khiến chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế quý gần nhất của FLC sụt giảm 5% so với cùng kỳ, đạt 109 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu này đã là con số lợi nhuận quý cao nhất từ đầu năm đến nay của FLC.
Lợi nhuận gộp của FLC tiếp tục giảm trong quý thứ 3 đưa Bamboo Airways vào vận hành. Ảnh: Bamboo Airways. |
Lũy kế từ đầu năm 2019, FLC đạt tổng cộng 11.476 tỉ đồng doanh thu, tăng 47%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước và sau thuế công ty thu về đã giảm 11% và 52% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 278 tỉ và 89 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận ròng thấp nhất mà FLC đạt được kể từ năm 2014 đến nay.
Lãnh đạo tập đoàn cũng thừa nhận nguyên nhân chính ảnh hưởng tới lợi nhuận kỳ vừa qua là do lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh so với cùng kỳ.
Trong đó, 9 tháng qua, biên lãi gộp của tập đoàn này đạt được chỉ vỏn vẹn 0,2%, tương ứng 27 tỉ đồng lãi gộp. Trong khi cùng kỳ năm nước tỷ suất này là gần 10%.
Phải nhờ đến doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 3 lần trong 9 tháng qua thì hoạt động kinh doanh sau khi trừ chi phí của FLC mới không bị thua lỗ.
Trong cơ cấu doanh thu 9 tháng qua, bán hàng hóa và bất động sản vẫn là mảng kinh doanh chủ đạo mang về hơn 8.651 tỉ đồng doanh thu cho FLC, tăng 21% so với cùng kỳ. Số doanh thu từ hoạt động này cũng chiếm 75% tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn.
Trong khi đó, mảng cung cấp dịch vụ (bao gồm dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch, golf và hàng không) đã tăng gấp 4 lần cùng kỳ mang về 2.825 tỉ đồng doanh thu 9 tháng
Kết quả kinh doanh Tập đoàn FLC |
Tuy nhiên, khác với mọi năm, ở kỳ kinh doanh này, dịch vụ trở thành mảng kéo lùi lợi nhuận gộp của FLC khi kinh doanh dưới giá vốn. Thời gian qua, mảng này đã khiến FLC lỗ gộp 377 tỉ đồng, kéo lợi nhuận gộp hợp nhất toàn tập đoàn đi xuống. Trong khi cùng kỳ cung cấp dịch vụ của FLC vẫn lãi gộp hơn 16 tỉ đồng.
Tính đến cuối tháng 9, FLC đang có tổng nguồn vốn đạt 29.112 tỉ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Nợ phải trả của tập đoàn này là 20.014 tỉ đồng, gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó, nợ có phát sinh lãi suất là 6.062 tỉ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn số tăng thêm nằm ở phần vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Điều này khiến chi phí lãi vay của công ty tăng gần 60% trong kỳ 9 tháng vừa qua.
Từ đầu năm 2019 cũng chứng kiến việc FLC phải đẩy mạnh xoay vòng vốn kỳ này với 4.083 tỉ đồng tiền đi vay, trong khi cùng thời điểm năm trước giá trị này chỉ tương đương 1/2. Cùng với đó, công ty cũng trả nợ gốc vay tổng cộng 3.208 tỉ đồng, gấp đôi số cùng kỳ.
Việc gia tăng xoay vòng vốn là nghiệp vụ thường thấy ở các doanh nghiệp vận hành dịch vụ hàng không vận tải. Do sở vận hành ít máy bay và ít đường bay hơn nên số xoay vòng vốn của FLC kỳ này vẫn thấp hơn rất nhiều so với hàng chục nghìn tỉ đồng của Vietjet Air và Vietnam Airlines.
Báo cáo tài chính riêng của FLC đã có biết tập đoàn này đã rót đủ 1.300 tỉ đồng vốn vào Công ty CP Hàng không Tre Việt (BamBoo Airways) và sở hữu 100% vốn tại hãng hàng không này. Bamboo Airways cũng trở thành khoản đầu tư lớn nhất của FLC vào các công ty con và công ty liên kết hiện nay.