Vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm đầu nguồn nước sông Đà:

"Nạn nhân lớn nhất" đã chịu "thoái ngôi"...

25/10/2019 16:04 Tăng trưởng xanh
8 ngày trước, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) từng khăng khăng khẳng định, chính họ mới là "nạn nhân lớn nhất" sau sự cố sông Đà và từ chối đưa ra lời xin lỗi…
Hà Nội: Tiếp tục xét nghiệm mẫu 'nước sông Đà' tại một số chung cư Công ty có nguồn dầu thải đổ vào sông Đà liên tục vi phạm môi trường Cần xử lý nghiêm việc cung cấp nước bẩn cho người dân

Sáng nay (25/10), đúng 17 ngày sau sự cố nước nhiễm bẩn, Viwasupco mới có đủ thời gian và cả "can đảm" để xin lỗi người dân phía Tây Nam Hà Nội vì đã cung cấp sản phẩm không đạt chất lượng.

"Nạn nhân lớn nhất" cuối cùng cũng phải nói lời xin lỗi và thừa nhận một sự thật hiển nhiên: "Người dân mới chính là nạn nhân khốn khổ nhất trong suốt những ngày qua".

nan nhan lon nhat da chiu thoai ngoi
Nhà máy nước sạch sông Đà - nơi bắt đầu cho "cơn khát nước sạch" của vạn dân Hà Nội.

17 ngày có thể không dài, nhưng cũng quá đủ để người dân Hà Nội - từ trẻ nhỏ đến người già kịp "nếm trải" cuộc khủng hoảng nước sạch chưa từng có tiền lệ.

Những ngày "quay quắt" vì nước của dân Hà Nội bắt đầu từ đêm 8/10, từ một địa điểm cách Hà Nội khoảng 45km. Trong đêm ấy, tại huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), một nhóm người bí mật đổ trộm dầu thải tại đầu nguồn nước sạch sông Đà. Chỉ hơn 1 ngày sau, hàng vạn người dân sinh sống ở phía Tây Nam Hà Nội bắt đầu phải dùng nước "sạch" kèm theo "gói khuyến mại" là… mùi khét lẹt.

Hậu quả tiếp tục lan rộng khi các cơ quan chức năng xác định hàm lượng styren - một hợp chất nguy hiểm trong nước sông Đà đang vượt quá ngưỡng cho phép. Tại thời điểm đó, cơ quan chức năng phải đưa ra khuyến cáo người dân không nên dùng nước do Viwasupco cung cấp để ăn uống.

Nhằm khắc phục, hàng chục xe téc đã chạy xuyên đêm để cấp nước an toàn cho nhiều quận, huyện chịu ảnh hưởng tại Hà Nội. Người dân đủ lứa tuổi phải gồng gánh xô chậu, chai lọ hứng từng chút nước mang về sử dụng.

Cứ như thế, vạn dân Hà Nội quay cuồng trong cơn khát nước sạch. Lớp những người trung niên đã thốt lên, người trẻ Hà Nội được dịp sống lại 30 năm trước - thời tem phiếu mậu dịch - khi mà cả trăm người xếp hàng đợi từng xô nước.

nan nhan lon nhat da chiu thoai ngoi
Dân Hà Nội sống lại thời mậu dịch tem phiếu khi xếp hàng dài...đợi nước.

Bất chấp thực tế ấy, những người đứng dầu Viwasupco vẫn "kiệm lời" xin lỗi và cho rằng mình mới là nạn nhân lớn nhất sau sự cố.

Cụ thể, tại cuộc họp báo được tổ chức tại UBND tỉnh Hòa Bình hôm 17/10, ông Bùi Đăng Khoa - Phó giám đốc Viwasupco cho rằng: "Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất và rất mong trong thời gian tới công an sớm tìm ra thủ phạm".

Ba ngày trước đó, phát ngôn tương tự cũng được ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Viwasupco đưa ra tại buổi họp của Thành ủy Hà Nội. "Công ty sẽ họp lại với nhau để xem xét rõ trách nhiệm của mình. Chúng tôi cũng là nạn nhân của sự việc" - ông Tốn nói.

"Tiết kiệm lời xin lỗi", đó là đánh giá của rất nhiều người về thái độ ứng xử kỳ lạ của lãnh đạo Viwasupco trong sự việc lần này.

Xét trên mối quan hệ thương mại giữa một bên cung cấp và người bỏ tiền thụ hưởng dịch vụ, cách "tiết kiệm" nói trên đã thể hiện sự coi thường khách hàng theo cách khó có thể chấp nhận.

Còn xét trên phương diện khách quan về kinh tế, lý lẽ "nạn nhân lớn nhất" cũng không hẳn đã đúng. Viwasupco có thể mất nguồn thu trong một tháng, mất chi phí để bảo trì hệ thống, để khắc phục hậu quả. Nhưng hàng vạn hộ dân Hà Nội, mỗi nhà dân cũng phải bỏ tiền ra mua nước đóng chai, bỏ thời gian ra đợi chờ nước "cứu khát". Hàng vạn hộ dân ấy, tính ra thiệt hại kinh tế không chắc đã kém hơn Viwasupco.

Anh Phùng Chiến (phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc: "Họ luôn nói là nạn nhân lớn nhất trong khi ngày đêm chúng tôi phải gò lưng cõng nước về nhà. Đấy là chưa kể đến những ngày đầu tiên khi chưa có khuyến cáo cụ thể, hàng vạn người đã ăn, uống sinh hoạt với thứ nước nhiễm dầu mà họ cung cấp bất chấp việc đã phát hiện sự cố từ trước. Thời gian, sức khỏe, tinh thần của chúng tôi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khi họ lại thờ ơ, dửng dưng như vậy".

Kỹ sư Trần Quang Hưng - Chuyên gia cao cấp ngành nước đánh giá: "Công ty cần phải biết nguyên nhân tại sao bị ảnh hưởng. Chính bởi vậy việc đầu tiên cần là xin lỗi và vào cuộc ngay với chính quyền để tìm nguyên nhân. Đó chính là ý thức của doanh nghiêp và ý thức này của Viwasupco rất kém. Chính bởi vậy chúng ta phải chỉnh lại toàn bộ công tác từ sản xuất nước đến phân phối".

nan nhan lon nhat da chiu thoai ngoi
"Cơn khát nước sạch" mang tên Viwasupco.

Sau rất nhiều thời gian để đi tìm "Ai là người chịu thiệt", cuối cùng, sáng 25/10, Viwasupco mới đủ thời gian để xác định: "Là một doanh nghiệp, chúng tôi ý thức rằng sự lo lắng của khách hàng và sự hoang mang của người dân mới là tổn thất lớn nhất".

Kèm theo đó, đơn vị này "thông qua các cơ quan thông tấn báo chí gửi đến người dân lời xin lỗi" và không quên "cầu mong được lượng thứ". Viwasupco cũng "xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố, tương đương với 1 tháng tiền nước".

"Đừng tính toán thiệt hơn khi hàng vạn khách hàng trả tiền mua sản phẩm của Viwasupco như chúng tôi đã quay cuồng vì... khát. Lời xin lỗi này đã quá muộn màng" - anh Chiến kết luận.

Thực tế cho thấy sự cố sông Đà không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng nước sạch chưa từng có tiền lệ tại Hà Nội mà nó còn kéo theo cuộc khủng hoảng niềm tin với chính Viwasupco.

Và có lẽ, câu chuyện về sự cố sông Đà vẫn chưa khép lại…

Đừng bỏ quên trách nhiệm cá nhân

Tại thông cáo báo chí phát đi sáng 25/10, phía Viwasupco không hề nhắc tới trách nhiệm của bất cứ cá nhân nào khi để nước sông Đà nhiễm bẩn. Trong khi trước đó, UBND TP. Hà Nội đã đề nghị đơn vị này phải yêu cầu kíp trực ngày 9/10 - thời điểm sự cố được phát hiện có báo cáo giải trình.

Trần Giang
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động