Người phụ nữ kiên trì đưa túi nilon tự hủy vào chợ truyền thống

22/09/2019 10:48 Quản lý nguồn thải
Hơn 8 năm qua, chị Phan Thị Thúy Phượng kiên trì đưa túi nilon tự hủy sinh học vào các chợ truyền thống, giúp tiểu thương và người dân có ý thức hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Túi sinh học tự phân hủy sau 2 tháng làm bằng cellulose

Suốt nhiều năm qua, có một người phụ nữ kiên trì với hành trình đưa túi nilon tự hủy sinh học vào chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh. Đó là chị Phan Thị Thúy Phượng, công tác tại Công ty Tổng hợp II.

Chị Phượng phụ trách dự án đưa túi nilon tự hủy sinh học vào mạng lưới chợ truyền thống, do Công ty Tổng hợp II phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh triển khai trên địa bàn thành phố.

Một buổi sáng cuối tháng 9/2019, chúng tôi theo chân chị Phan Thị Thúy Phượng tham gia buổi giới thiệu về túi nilon tự hủy sinh học và vận động người dân nâng cao nhận thức tiêu dùng để giảm rác thải nhựa.

nguoi phu nu kien tri dua tui nilon tu huy vao cho truyen thong

Chị Phan Thị Thúy Phượng (phải) tư vấn cho người tiêu dùng về túi nilon tự hủy sinh học tại chợ Gò Vấp.

Ở một góc chợ, do Ban quản lý chợ Gò Vấp hỗ trợ sắp xếp, chị Phượng cùng đồng nghiệp bắt đầu trưng bày gian hàng với đa dạng sản phẩm túi nilon tự hủy sinh học. Chị tất bật, liên tục giới thiệu công dụng của túi nilon tự hủy sinh học khiến không khí buổi chợ sớm sôi động hơn, thu hút sự quan tâm của tiểu thương và rất đông người đi chợ.

Đặc biệt, gian hàng của chị Phượng còn triển khai các hoạt động minh họa thiết thực về lợi ích của túi nilon tự hủy sinh học với nhiều khẩu hiệu, băng rôn và tặng sản phẩm dùng thử.

Cứ như vậy, ròng rã hơn 8 năm qua, chị Phan Thị Thúy Phượng đã kiên trì đưa túi nilon tự hủy sinh học vào các chợ truyền thống, giúp tiểu thương và người dân có ý thức hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo chị Phượng, tính đến nay, chị đã đến được khoảng 2/3 trong tổng số lượng gần 250 chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, gian hàng giới thiệu sản phẩm túi nilon tự hủy sinh học được duy trì ổn định và luân phiên tại chợ vào khoảng 7 giờ sáng thứ Bảy hoặc Chủ Nhật hằng tuần.

Những ngày đầu của hành trình đưa túi nilon tự hủy sinh học vào chợ truyền thống, chị Phan Thị Thúy Phượng và các đồng nghiệp của mình đã gặp không ít khó khăn, rào cản.

Chị Phan Thị Thúy Phượng chia sẻ trong thời gian dài, sản phẩm túi nilon nhựa được đa số tiểu thương sử dụng, có giá thành rẻ, tiện lợi, cơ sở sản xuất giao hàng tận nơi. Ngược lại, sản phẩm túi nilon tự hủy sinh học có giá thành cao hơn, chưa được thông tin phổ biến về lợi ích, thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa có ý thức về hạn chế rác thải nhựa và thu gom rác thải nhựa, trong khi mạng lưới chợ truyền thống được đánh giá là một trong những nơi sử dụng số lượng bao bì nhựa cao.

Chị Phan Thị Thúy Phượng dẫn chứng tuy mỗi món hàng hóa đã được gói trong một túi nilon riêng lẻ, nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen xin thêm 1, 2 túi nilon to để gói gọn hàng hóa và dễ vận chuyển hơn. Còn tiểu thương, đơn vị kinh doanh cũng sẵn sàng chiều lòng khách hàng.

Thực tế trên đã thôi thúc chị Phượng không bỏ cuộc trên hành trình đưa túi nilon tự hủy sinh học vào mạng lưới chợ truyền thống sau những lần thất bại.

nguoi phu nu kien tri dua tui nilon tu huy vao cho truyen thong
Chị Phan Thị Thúy Phượng (giữa) giới thiệu thông tin về túi nilon tự hủy sinh học tại chợ Nguyễn Tri Phương.

Để hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền, chị Phượng đã tìm đến sự hỗ trợ của các Ban Quản lý chợ truyền thống; chủ động sinh hoạt với Hội Phụ nữ các địa phương để tiếp cận với tiểu thương, phụ nữ để tuyên truyền, vận động chuyển đổi sang sử dụng túi nilon tự hủy sinh học.

Từ sự nỗ lực trên, hiện nay có nhiều chợ, chỉ cần đến tổ chức gian hàng một lần, chị Phượng đã nhận được sự hưởng ứng của tiểu thương với những đơn hàng mua túi nilon tự hủy sinh học ngày càng tăng về số lượng.

Chia sẻ những khó khăn hiện nay, chị Phượng cho biết vẫn còn nhiều Ban quản lý chợ và tiểu thương chưa quan tâm, thay đổi thói quen sử dụng túi nilon tự hủy sinh học, có thái độ không hợp tác, cho rằng bị làm phiền, ảnh hưởng đến việc buôn bán của họ...

Cùng với đó, giá thành của túi nilon tự hủy sinh học còn tương đối cao, chưa được khuyến khích sản xuất nhiều nên đây cũng là một rào cản để người tiêu dùng lựa chọn.

Theo chị Phượng, để đưa túi nilon tự hủy sinh học vào mạng lưới chợ truyền thống, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa cho đơn vị sản xuất kinh doanh và người dân tiếp cận thông tin về túi nilon tự hủy sinh học bằng những quy định cụ thể như chứng nhận sản phẩm, tập huấn, đào tạo...

Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu máy móc, thiết bị, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh... cho những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đối với cộng đồng xã hội, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức người dân trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, nói không với rác thải nhựa, túi nilon sử dụng một lần...

Chị Phượng chia sẻ những nỗ lực của chị chỉ là một phần nhỏ góp phần bảo vệ môi trường. Để hiệu quả hơn, tạo sự đột phá trong thay đổi thói quen của tiểu thương, cần có sự chung tay của tất cả mọi người.

Theo TTXVN
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động