Nhiệm vụ, giải pháp hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển

21/05/2020 21:32 Chính sách - Pháp luật
Ngày 18/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 647/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.
Kế hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế biển
nhiem vu giai phap hop tac quoc te phat trien ben vung kinh te bien
16 dự án, nhiệm vụ cấp bách thực hiện hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển.

Với phương châm chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã kế thừa, phát triển những nội dung liên quan từ thực tiễn đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển thời gian qua và đề ra các chủ trương, giải pháp triển khai phù hợp với hoàn cảnh đất nước và xu thế thời đại. Quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết là “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển”.

Hướng đến Thập kỷ của Liên hợp quốc về Khoa học biển vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2030, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác hợp tác quốc tế về biển trong thời gian qua, ngày 18 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 647/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW; đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Đề án đề ra 06 nhóm nhiệm vụ về hợp tác quốc tế trong các nội dung về phát triển bền vững kinh tế biển tương ứng với các nội dung của Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, gồm: Quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp vùng bờ; Phát triển kinh tế biển, ven biển; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; Bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thông tin tuyên truyền.

Đề án cũng đưa ra 07 nhóm giải pháp chính: (I) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đa dạng hóa các loại hình, cách thức thông tin tuyên truyền; (II) Hoàn thiện thể chế, chính sách, hành lang pháp lý về biển, tích cực tham gia các điều ước quốc tế và chủ động thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực liên quan đến biển và đại dương; (III) Đa dạng hóa các kênh và hình thức hợp tác, đối ngoại, chủ động và tích cực đăng cai tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển; (IV) Ưu tiên hợp tác với các nước, các đối tác có nền kinh tế và công nghệ biển hiện đại, tiên tiến trên thế giới, tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, trao đổi về thông tin và kinh nghiệm; (V) Bố trí nguồn kinh phí hợp lý; (VI) Củng cố bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, chuyên gia hợp tác quốc tế về biển; (VII) Kịp thời phát hiện điều chỉnh, bổ sung các dự án, đề án, nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Để thực hiện Đề án, trong giai đoạn 2021 – 2030, các bộ, ngành, địa phương có biển phối hợp thực hiện Đề án theo 16 dự án, nhiệm vụ cấp bách.

Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo toàn diện và tổ chức thực hiện Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Ủy ban, có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan đầu mối giúp việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

Xem chi tiết Quyết định số 647/QĐ-TTg tại đây.

Thu Trang
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động