Những điểm mới trong Luật Quản lý thuế

29/08/2019 10:08 Tăng trưởng xanh
Nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập hiện nay về quản lý thuế và hướng tới thực hiện quản lý thuế hiện đại, minh bạch và chuyên nghiệp, ngày 27/8, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị phổ biến những nội dung mới của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Tổng cục Thuế: Ngăn chặn nhũng nhiễu trong thanh kiểm tra thuế Tính thuế thu nhập cá nhân đối với các giao dịch chuyển nhượng nhà, đất Tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 gồm 17 chương, 152 điều, trong đó kết cấu lại, bổ sung 3 chương mới, gồm: Chương II về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và các nhân trong quản lý thuế; Chương X về áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử và chương XII về tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm thủ tục hải quan.

nhung diem moi trong luat quan ly thue
Đại diện Tổng cục Thuế giải đáp về các quy định mới tại Hội nghị. Ảnh: Huy Thắng.

Luật bổ sung thêm việc áp dụng đối với các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý, đó là: Tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai; tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, trừ lĩnh vực thuế và hải quan; tiền nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công từ việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí…

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế như: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thu; Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.

Các hành vi: Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật. Bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn. Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế… cũng bị cấm trong quản lý thuế.

Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) lưu ý thêm những điểm mới về các biện pháp xử lý nợ đọng thuế. Luật Quản lý thuế sửa đổi đã bổ sung quy định về khoanh tiền thuế nợ và đây là nội dung mới so với Luật Quản lý thuế hiện hành.

Về quyền của người nộp thuế, Điều 16 của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định rõ những quyền của người nộp thuế. Theo đó, người nộp thuế có quyền được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế; Nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm toán, kiểm tra.

Người nộp thuế được yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Được giữ bí mật thông tin, trừ các thông tin phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin công khai về thuế theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), người nộp thuế còn có quyền hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn; Sử dụng chứng từ điện tử trong các giao dịch với cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan…

Theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), có 5 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, cụ thể:

Thứ nhất, doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Thứ hai, cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.

Thứ ba, các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc 2 trường hợp trên mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.

Người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trước khi quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới thì phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đã được xoá.

Thứ tư, tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp và đã được gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Thứ năm, Chính phủ quy định việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương bảo đảm các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa phải được hoàn trả vào ngân sách nhà nước theo quy định tại trường hợp thứ 3 được xóa nợ, trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Luật Quản lý thuế cũng bổ sung quy định thời hạn nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán; thời hạn được khai bổ sung; thời hạn nộp thuế, tính tiền chậm nộp đối với số thuế phải nộp tăng thêm qua khai bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, rõ ràng, minh bạch giữa người nộp thuế và cơ quan thuế.

Về thời hạn khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề; đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.

Đối với cơ quan hải quan, bổ sung nội dung trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau thông quan phát sinh số thuế phải nộp tăng thêm hoặc cơ quan hải quan ấn định thuế sau thông quan, thì thời hạn nộp tiền thuế khai bổ sung, nộp tiền thuế ấn định được áp dụng theo thời hạn nộp thuế của tờ khai ban đầu.

Về hoàn thuế, Luật Quản lý thuế mới quy định về thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, theo đó cơ quan quản lý thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với những hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo nguyên tắc quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra trong phạm vi 5 năm kể từ ngày quyết định hoàn thuế.

Với hoạt động thương mại điện tử, Luật Quản lý thuế đã bổ sung quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử như đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động