Những nhà máy biến 50% lượng rác của TP. Hồ Chí Minh thành điện

20/04/2020 14:45 Quản lý nguồn thải
Dự kiến, tới cuối năm nay, 4.000 tấn rác mỗi ngày của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được đốt tạo thành điện năng, khi 2 nhà máy có tổng vốn đầu tư 400 triệu USD được hoàn thành.

Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 4.000 tấn chất thải công nghiệp, 350 – 400 tấn chất thải nguy hại. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp quản lý nhà nước, Thành phố đặc biệt chú trọng phát triển các nhà máy xử lý chất thải đồng bộ theo hướng áp dụng các công công nghệ xử lý tiên tiến, tiết kiệm diện tích đất và có thu hồi tài nguyên, năng lượng trong quá trình xử lý. Thành phố đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, khoảng 50% khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện. Để đạt mục tiêu này, từ cuối năm 2019 Thành phố đã khởi công xây dựng 3 nhà máy đốt rác phát điện công suất cao.

Nhà máy xử lý rác Vietstar là 1 trong 3 nhà máy xử lý chất thải hiện hữu, tiên phong trong việc chuyển đổi công nghệ dốt rác phát điện theo chủ trương của Thành phố. Nhà máy do Công ty CP Vietstar làm chủ đầu tư và khởi công xây dựng từ tháng 8/2019 trong khuôn viên nhà máy hiện hữu ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, Củ Chi, rộng 30 ha. Giai đoạn 1 của dự án có công suất xử lý 2.000 tấn rác mỗi ngày, đến cuối năm 2020 sẽ đưa vào vận hành. Giai đoạn 2 của dự án sẽ xây dựng dây chuyền để tăng công suất lên thêm 2.000 tấn rác mỗi ngày, đạt 100% công suất, hoàn thành trong năm 2021.

Nhà máy được bố trí dây chuyền công nghệ Martin của Đức hoàn toàn kín, không để mùi hôi phát tán ra bên ngoài. Rác khi tiếp nhận sẽ được phân loại, tái chế giúp rác còn lại có nhiệt trị cao, đốt dễ dàng hơn, các hoạt động đều dùng công nghệ tự động. Phía chủ đầu tư còn cải tiến công nghệ để phù hợp với đặc tính rác thải ẩm ướt và nhiều tạp chất của Việt Nam.

nhung nha may bien 50 luong rac cua tp ho chi minh thanh dien
Khởi công Nhà máy xử lý rác Vietstar.

Nhà máy xử lý rác thải thứ hai áp dụng công nghệ đốt phát điện được xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh là Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa do Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích 8ha thuộc khuôn viên nhà máy xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt Củ Chi (20ha) và có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 40MW với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, hoạt động ổn định, Công ty Tâm Sinh Nghĩa sẽ thực hiện giai đoạn 2 với công suất 3.000 tấn rác/ngày, nâng tổng công suất đốt rác phát điện lên 5.000 tấn rác/ngày. Thời gian xây dựng nhà máy trong 18 tháng và 4 tháng hiệu chỉnh, vận hành thử.

Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa cũng sử dụng công nghệ đốt rác phát điện Martin Grade của Đức, đang được sử dụng tại 40 quốc gia trên thế giới. Ưu điểm của công nghệ là khép kín từ khâu tiếp nhận đến khâu xả thải cuối cùng, không phát tán mùi hôi, đồng thời có nhiều đặc điểm phù hợp với điều kiện rác chưa qua phân loại tại đầu nguồn tại Việt Nam hiện nay.

nhung nha may bien 50 luong rac cua tp ho chi minh thanh dien
Các đại biểu động thổ khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa.

Dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tập trung đầu tiên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được khởi công tháng 12/2019. Nhà máy Tái chế và Xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại Mộc An Châu do Công ty CP Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 17 ha, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh). Nhà máy và có công suất xử lý 500 tấn rác/ ngày. Điểm nổi bật của Nhà máy là sử dụng cùng lúc các công nghệ tiên tiến như: công nghệ nhiệt (lò đốt); công nghệ xử lý chất thải lỏng; công nghệ tái chế nhựa thải, nhựa phế liệu; công nghệ xử lý và tái chế chất thải điện tử; công nghệ phá hủy xe cơ giới quá hạn, tái chế kim loại đen và kim loại màu; chôn lấp an toàn… Nhờ vậy, nhà máy có thể xử lý và tái chế từ 70 - 90% chất thải thành nguyên liệu và sản phẩm, đảm bảo nguyên tắc xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm đạt Quy chuẩn quốc gia ở mức độ cao nhất. Ngoài ra, Công ty CP Mộc An Châu còn tiến hành lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các mái nhà xưởng, đáp ứng 80 -90% lượng điện tiêu thụ trong quá trình hoạt động của Nhà máy.

Theo kế hoạch, Nhà máy Tái chế và Xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại Mộc An Châu sẽ hoàn thành giai đoạn xây dựng và lắp đặt thiết bị vào cuối năm 2020, vận hành chính thức vào khoảng tháng 9/2021.

Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư đối với 5 bãi chôn lấp ngưng hoạt động gồm: Phước Hiệp (huyện Củ Chi) 3 bãi, Gò Cát (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Nhà đầu tư được hưởng một số ưu đãi như: miễn tiền thuê đất 11 năm hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp; mua lượng điện tạo ra; tài trợ lãi vay; miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định của dự án; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án và nhiều chính sách ưu đãi khác.
Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động