Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang
Nỗ lực bảo vệ màu xanh đại ngàn
Bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế của người dân
Hiện nay, toàn huyện Tây Giang có tổng diện tích rừng là 66.209,38 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 63.424,24 ha; tỷ lệ che phủ rừng chiếm 72,46% toàn tỉnh Quảng Nam.
Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Tây Giang được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện dự án nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam với tổng diện tích 50.572,06 ha trải dài từ xã Avương đến biên giới Việt - Lào.
Nhận thức được rằng, rừng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường tại huyện miền núi Tây Giang. Đồng thời, xác định, để có thể giữ màu xanh cho đại ngàn, BQLRPH huyện Tây Giang đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bám rừng, phối hợp và phát huy vai trò nòng cốt của người dân trong việc bảo vệ, giám sát và phòng chống khai thác rừng trái phép.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, trồng rừng và tuyền truyền, nâng cao nhận thức của người dân, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, UBND các xã tổ chức tuyên truyền đến tận người dân các thôn thông qua các buổi họp trực tiếp, nhằm phổ biến các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chặn hành vi phá rừng, khai thác rừng trái phép.
BQLRPH huyện Tây Giang phối hợp cùng chính quyền và Công an các xã, Kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và thực hiện Chính sách chi trả DVMTR cho người dân địa phương. |
Được biết, huyện Tây Giang có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số cao, đa số sinh sống dựa vào rừng. Vì vậy, BQLRPH Tây Giang tích cực phối hợp với địa phương nỗ lực thực hiện, phát huy hiệu quả tốt trong việc bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế ổn định cho đồng bào yên tâm giữ rừng.
BQLRPH huyện Tây Giang tăng cường thực hiện công tác vườn ươm nhằm cung cấp cây giống trong việc thực hiện công tác phát triển rừng. |
Để hỗ trợ người dân, theo Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 15/5/2024 của UBND huyện Tây Giang về phê duyệt phương án giao khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Tây Giang năm 2024, triển khai giao khoán cho 64 cộng đồng nhân dân thôn của 10 xã thuộc huyện với diện tích giao khoán bảo vệ rừng là 37.356,37ha; Diện tích tự quản lý bảo vệ rừng là 12.121,96ha.
Đồng thời, cấp phát 64 cuốn nhật ký tuần tra và 64 sổ tay quản lý tiền chi trả DVMTR cho 64 cộng đồng nhận khoán trên địa bàn 10 xã; Tổ chức 2 đợt chi trả tiền DVMTR cho 64 cộng đồng nhận khoán với tổng số tiền đã chi trả hơn 8,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổ chức ký cam kết với 3.398 hộ gia đình thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR năm 2024; tổ chức 70 đợt kiểm tra công tác phát đốt nương rẫy của các hộ gia đình trên địa bàn 10 xã.
Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR ở huyện Tây Giang góp phần tạo sinh kế, giúp nhân dân gắn bó với rừng, góp phần bảo vệ những cánh rừng và giảm rõ rệt các hoạt động xâm hại đến tài nguyên rừng.
Bảo vệ sự sống của động vật hoang dã dưới bóng xanh đại ngàn
Những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Nam ghi nhận nhiều nỗ lực từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, kiểm lâm và người dân địa phương trong “cuộc chiến” bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã trước những mối đe dọa của con người đến sự sống của chúng.
Đây được xem là một nỗ lực lớn lao, đem lại một số kết quả đáng mừng, khi một số quần thể động vật hoang dã có dấu hiệu “hồi sinh”. Việc gìn giữ và duy trì kết quả ấy được xem là giá trị sống còn, vì “bảo vệ động vật hoang dã chính là bảo vệ sự sống của con người”.
Giải cứu thành công cá thể Rùa bị mắc bẫy. |
Theo ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQLRPH Tây Giang, tình trạng săn bắt, bẫy các loài động vật hoang dã diễn ra phức tạp, đòi hỏi cần phải có các biện pháp bảo vệ. Do đó, BQLRPH Tây Giang đã thành lập Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy (CPT), với nhiệm vụ tuần tra xuyên rừng, tìm kiếm và tháo gỡ bẫy thú, bảo vệ sự sống cho các loài động vật, góp phần nâng cao chất lượng hệ sinh thái rừng và phát triển quần thể các loài động vật hoang dã trong khu vực.
Việc thành lập Đội Tháo gỡ bẫy giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, giảm áp lực tuần tra bảo vệ rừng cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tại các Ban quản lý trong khu vực. |
Đội Tháo gỡ bẫy hiện nay gồm 25 thành viên, chủ yếu là người dân địa phương, sinh sống và gắn bó với rừng. Họ là những người hiểu về rừng, thể hiện tinh thần cộng đồng tham gia công tác bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật đang sinh sống dưới tán rừng.
Tính từ khi thành lập vào tháng 9/2022 đến tháng 12/2023, các đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng huyện Tây Giang đã phát hiện và tháo gỡ được 6.844 bẫy các loại, 24 lán trại được phát hiện và phá hủy, giải cứu được 5 động vật hoang dã mắc bẫy.
Các lực lượng băng rừng, bất chấp thời tiết và điều kiện địa hình chia cắt hiểm trở để làm nhiệm vụ giải cứu động vật hoang dã tại huyện Tây Giang. |
Những thành quả mà Đội tuần tra, tháo gỡ bẫy đã đạt được có ý nghĩa rất lớn, góp phần nâng cao tính đa dạng sinh học thông qua giảm bớt các tác động trực tiếp lên động vật hoang dã.
Ngoài Đội CPT nói trên, lực lượng cán bộ BQLRPH Tây Giang thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, truy quét, chống chặt phá rừng và săn bắt động vật hoang dã.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức 86 đợt tuần tra, truy quét, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trên toàn lâm phận; tháo gỡ 871 bẫy các loại (bao gồm: bẫy chim, bẫy kẹp, bẫy thòng lọng, bẫy dây phanh,…).
Đồng thời, phối hợp với Hạt kiểm lâm Tây Giang tổ chức tuần tra, truy quét tại các vùng trọng điểm và vùng giáp ranh trên địa bàn huyện; kết quả, ghi nhận phát hiện nhiều dấu chân nghi của loài Mang lớn và Lợn rừng.
Hàng ngàn bẫy thú các loại vẫn còn tồn tại khắp những cánh rừng, sinh mạng của các loài có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào; công việc của các đội tuần tra, bảo vệ rừng, tháo gỡ bẫy cũng vô cùng nguy hiểm, vì dưới mỗi bước chân đều có thể dẫm phải các loại bẫy được ngụy trang.
Ngoài công tác tháo gỡ các bẫy động vật, những lực lượng này còn làm nhiệm vụ ghi nhận, cập nhật về các loài động, thực vật trên tuyến tuần tra; phát hiện để cảnh báo kịp thời hoạt động phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác tài nguyên rừng trái phép. Tất cả các công việc trên nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.