Phát triển thương mại và vấn đề bảo vệ môi trường trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế

09/12/2019 15:38 Tăng trưởng xanh
Trong quá trình phát triển, càng ngày người ta càng nhận rõ mối quan hệ khăng khít giữa tự do hóa thương mại, phát triển thương mại quốc tế với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái.
Sản xuất tiêu dùng hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững
phat trien thuong mai va van de bao ve moi truong trong thoi dai hoi nhap kinh te quoc te
Ảnh minh họa về Thương mại điện tử.

Nhìn ngược lại lịch sử, nếu như con người thỏa mãn nhu cầu của mình bằng tự cung, tự cấp thì sự tác động đến môi trường rất ít và chỉ bó hẹp trong phạm vi nhỏ. Khi thương mại phát triển người ta có thể thỏa mãn nhu cầu của mình bằng những sản vật của những vùng miền khác và do đó, cường độ và mức độ tác động của con người tới môi trường sinh thái sẽ càng mạnh mẽ hơn, ở quy mô rộng lớn hơn.

Đặc biệt, khi thương mại được tự do hóa trên phạm vi toàn cầu thì dưới áp lực và cạnh tranh quốc tế, sức hút của lợi nhuận,… các nhà sản xuất và kinh doanh thương mại lại ra sức khai thác lợi thế cạnh tranh bằng những tài nguyên sẵn có, sử dụng nguyên liệu đầu vào giá rẻ, lao động giản đơn để giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất và kinh doanh. Kết quả tất yếu là tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường tự nhiên bị hủy hoại, môi trường xã hội bị xuống cấp. Dựa vào đây người ta lên án hoạt động thương mại và cho rằng càng phát triển thương mại, càng tự do hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu thì càng phá hoại môi trường sinh thái, làm băng hoại môi trường xã hội.

Gần đây, có nghiên cứu còn chỉ ra rằng thương mại càng hiện đại, kể cả mua bán trực tuyến trong thương mại điện tử đang làm cho môi trường bị hủy hoại nhanh hơn, trầm trọng hơn trên diện rộng hơn so với thương mại truyền thống. Bằng trực giác dễ dàng nhận ra cùng với mức độ hiện đại trong các siêu thị, các trung tâm thương mại thì mức tiêu dùng điện, hao tổn về nước cũng gia tăng; bao bì càng đẹp càng cầu kỳ bắt mắt thì càng tiêu tốn nhiều gỗ rừng hơn nhiều nilông hơn và đây chính là nguyên nhân của gia tăng việc tàn phá rừng và rác thải nhựa trên phạm vi toàn cầu.

Trong thương mại điện tử, giao hàng online không những không làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà ngược lại cần nhiều phương tiện vận chuyển hơn để giao hàng, tốn kém nhiều bao bì hơn để đóng gói nhất là bao bì xốp, bao bì ni-lôn. Người ta tính lượng bao bì được sử dụng trong bao bì điện tử nhiều gấp 7 lần so với bao bì truyền thống.

Ngược lại, nếu suy nghĩ kỹ hơn thì ta lại thấy ở một khía cạnh khác sáng sủa hơn nhiều:

Kết quả tất yếu của tự do hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu là sự phát triển kinh tế của đất nước và nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống của người dân. Một khi mức sống được nâng cao thì người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, hàng hóa có chất lượng cao sẽ được ưu tiên, đặc biệt những sản phẩm có nhãn sinh thái, thân thiện môi trường luôn là những lựa chọn hàng đầu. Trong quá trình này, người tiêu dùng đã trở thành chủ thể lựa chọn hàng hóa không làm tổn hại đến môi trường sinh thái.

Trong cạnh tranh quốc tế, các doanh nghiệp luôn chú ý tới việc lựa chọn công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là công nghệ 4.0,… Chính việc ứng dụng công nghệ hiện đại này sẽ trực tiếp giảm thiểu sử dụng lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, tăng cường sử dụng nguyên liệu có thể tái tạo, tiết kiệm tới mức tối đa sử dụng nguyên liệu không thể tái tạo. Đây chính là yếu tố làm giảm thiểu tác động xấu tới môi trường sinh thái.

Thương mại quốc tế đang đi theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa, không phân biệt đối xử,… Dựa trên những nguyên tắc chung này, các quốc gia đang ký với nhau nhiều FTA trong đó có nhiều FTA thế hệ mới để quy định khuôn khổ pháp lý và giành cho nhau những ưu đãi để phát triển thương mại. Có thể dễ dàng nhận thấy trong các cam kết các quốc gia đang thỏa thuận với nhau ngày càng nhiều các quy định để bảo vệ môi trường trong thương mại. Chỉ những hàng hóa có chứng nhận môi trường 14000, áp dụng HACCP, có nhãn sinh thái, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng bao bì ni-lon mới được hưởng chế độ ưu tiên trong mua bán quốc tế. Các rào cản kỹ thuật trong thương mại càng ngày càng chú ý nhiều hơn tới việc bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội. Hơn thế nữa, ngay cả các tổ chức tài chính và tín dụng thế giới như WB, Quỹ tiền tệ thế giới IMF và các nhà đầu tư tài chính cũng đang ưu tiên đầu tư vốn cho những dự án đảm bảo, bảo vệ môi trường. Đây chính là những tín hiệu tốt và một lần nữa khẳng định: Càng phát triển thương mại theo xu hướng hội nhập quốc tế thì vấn đề bảo vệ môi trường càng được chú ý, do đó, môi trường sinh thái được bảo vệ bằng những biện pháp thích hợp và quyết liệt hơn.

Như vậy, ta thấy có hai cách nhìn nhận vấn đề thương mại và môi trường trái ngược nhau. Một bên cho rằng phát triển thương mại và thương mại càng hiện đại thì càng phá hoại môi trường. Phía bên kia lại cho rằng phát triển thương mại, tự do hóa thương mại trên quy mô toàn cầu thì càng có điều kiện để bảo vệ môi trường sinh thái.

Qua thực tế thấy rằng vấn đề ở đây là “phát triển thương mại” như thế nào?

Nếu phát triển thương mại theo chiều rộng, khai thác lợi thế tài nguyên sẵn có, lao động giá rẻ, sử dụng bao bì vô nguyên tắc thì sẽ dẫn đến phá hoại môi trường. Ngược lại, nếu phát triển thương mại một cách bền vững, gắn với bảo vệ môi trường bằng việc nâng cao nhận thức, hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế đủ mạnh, ứng dụng công nghệ một cách thích hợp trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa thì sẽ bảo vệ tốt được môi trường sinh thái. Hơn thế nữa, ở cấp độ cao hơn một khi môi trường tự nhiên được bảo vệ và phát triển bền vững thì lại là nền tảng cho sự phát triển thương mại bền vững.

Tăng trưởng thương mại bền vững chắc chắn sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nếu như được kết hợp với việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, ý thức người tiêu dùng trong việc xả thải vô nguyên tắc, sử dụng bao bì ni-lon thì sẽ là những biện pháp hữu hiện bảo vệ môi trường sinh thái. Hội nhập quốc tế cũng đang mở ra điều kiện và yêu cầu cấp thiết phải bảo vệ môi trường. Vấn đề là thái độ của chúng ta và ý thức của người tiêu dùng. Thái độ này phải được thể hiện trong hệ thống pháp luật đủ mạnh, kiểm tra, kiểm soát xử lý thường xuyên và hơn hết là nâng cao ý thức của người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại.

PGS.TS. Phạm Tất Thắng

Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương

CN. Nguyễn Thanh Phượng

Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương

Xin chờ trong giây lát...

Hà Nội tiếp sức, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Phiên bản di động