Quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi
Chất thải chăn nuôi là tài nguyên mang lại từ 15-20 nghìn tỉ/năm |
Để bảo đảm việc thực hiện các quy định của pháp luật về chăn nuôi, các hành vi vi phạm được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm nhằm tạo lập môi trường bình đẳng, công bằng cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động về chăn nuôi, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến người dân cho Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.
Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi là 200 triệu đồng. |
Dự thảo Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi. Các hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi không được quy định trong dự thảo Nghị định này sẽ được điều chỉnh bởi quy định khác của pháp luật có liên quan.
Dự thảo Nghị định có 4 chương, 49 điều, trong đó ghi rõ, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ các trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, động vật sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Hình thức xử phạt chính bao gồm cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả khác.
Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
Nghị định quy định hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với những vi phạm quy định:
1. Về giống vật nuôi (khai thác và bảo tồn, trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; nhập khẩu, xuất khẩu, trao đổi quốc tế giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi; điều kiện sản xuất, mua bán, chất lượng con giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi; điều kiện mua bán, sản xuất tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng; khảo nghiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi mới; các giấy tờ, văn bản cho phép về giống vật nuôi);
2. Về thức ăn chăn nuôi (điều kiện sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; chất lượng thức ăn chăn nuôi; khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi; thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh; ghi nhãn, quảng cáo thức ăn chăn nuôi; mua bán thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng, sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; sử dụng chất cấm trong sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi);
3. Về điều kiện chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi (kê khai chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, xử lý chất thải, tiếng ồn trong chăn nuôi; mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi);
4. Về nhập khẩu vật nuôi sống làm thực phẩm, sản phẩm chăn nuôi.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020 và bãi bỏ Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản.