Sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn do mực nước ngầm và hệ thống karst

28/05/2020 12:30 Tác động môi trường
“Nghiên cứu, đánh giá, giải quyết hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” là nhiệm vụ thuộc đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên & Môi trường) thực hiện trong 2 năm qua.
Nghiên cứu, thực hiện các biện pháp hạn chế sụt lún đất ở ĐBSCL
sut lun dat tai huyen cho don tinh bac kan do muc nuoc ngam va he thong karst

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến công bố thông tin kết quả nhiệm vụ.

Địa chất của khu vực huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn rất phức tạp, với nhiều sự việc xảy ra trên địa bàn huyện. Cụ thể, từ năm 2007 bắt đầu xuất hiện sụt lún xung quanh huyện Chợ Đồn, đặc biệt xung quanh các khu vực khai thác mỏ. Sau đó, hiện tượng sụt, lún xuất hiện rải rác từ năm 2007 – 2015 và hiện tượng này xảy ra dày hơn với mật độ cao hơn từ năm 2015 đến nay, đặc biệt xung quanh khu vực mỏ thôn Nà Tùm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn. Điều này gây lo lắng cho nhân dân, do đó chính quyền từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã đã vào cuộc giải quyết rất nhiều lần. Năm 2018, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã bổ sung việc đánh giá, giải quyết sụt, lún đất tại huyện Chợ Đồn vào Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”.

Sau hơn 2 năm nghiên cứu, đến nay nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá, giải quyết hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” đã có kết quả tổng thể. Nhiệm vụ đã chỉ ra nguyên nhân tổng quan nhất của hiện tượng sụt, lún trong suốt 13 năm qua và đưa ra số giải pháp căn cơ chủ yếu.

Hiện tượng sập sụt, nứt đất trong vùng nghiên cứu xảy ra chủ yếu tại các thung lũng giữa núi được thành tạo bởi các trầm tích aluvi, deluvi, proluvi; kéo dài theo hướng đông bắc tây nam dọc theo suối Khau Cun, từ bản Ỏm, xã Ngọc Phái đến bản Lắc, xã Bằng Lãng. Nhiệm vụ đã ghi nhận được 148 hố sụt đất và 14 vết nứt đất chính, tập trung chủ yếu ở cánh đồng Nà Bưa, xã Ngọc Phái và bản Tàn thị trấn Bằng Lũng; tại bản Lắc, xã Bằng Lãng các hố sụt gần như không xuất hiện từ tháng 8/2018 đến nay, ngoại trừ hố sụt xuất hiện sau đợt mưa và lũ về vào ngày 23/7/2019. Các hố sụt trong vùng nghiên cứu đều thuộc loại sập sụt, đổ lở trong tầng phủ, sụt lún đất bồi tích theo phân loại của Tony Waltham đề xuất, được sử dụng phổ biến trên thế giới.

Vùng nghiên cứu có cấu trúc địa chất phức tạp với nhiều hệ thống đứt gãy, thành phần đất đá có sự biến động mạnh theo diện và chiều sâu; đặc biệt là lớp đá vôi, đá hoa, đá vôi bị hoa hóa nằm dọc theo suối Khau Cun có mức độ karst hóa cao, trung bình khoảng 15%, tập trung nhiều ở độ sâu 20-60m nên thuận lợi cho sự phát triển tai biến địa chất như sập sụt, lún nứt đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm, mất nước, khô hạn,... khi chịu tác động bởi các hoạt động nhân sinh.

Mực nước ngầm trong vùng bị hạ thấp từ 21,08-30,0m xảy ra trên diện rộng, từ cánh đồng Nà Bưa, xã Ngọc Phái đến khu vực Khuổi Ngoài, bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng sập sụt, lún nứt đất xuất hiện trong thời gian qua. Để giảm thiểu hiện tượng sập sụt, lún nứt đất cần có giải pháp kinh tế - kỹ thuật phù hợp với đặc điểm cấu trúc địa chất trong vùng, đảm bảo mực nước ngầm luôn được giữ ổn định và cân bằng ở trạng thái tự nhiên.

Theo ông Trịnh Hải Sơn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, kết quả nghiên cứu hiện tại cho thấy nguyên nhân gây ra hiện tượng sập sụt, lún nứt đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là do sự hạ thấp mực nước ngầm và hệ thống karst phát triển mạnh. Viện sẽ tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn và chính quyền địa phương, cũng như các đơn vị khai khoáng đưa ra các giải pháp thích hợp nhằm giảm thiểu hiện tượng sụt, lún đất tại địa phương trong thời gian tới.

ThS. Nguyễn Quốc Khánh thuộc Trung tâm Công nghệ Địa vật lý và Địa kỹ thuật, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản – Chủ trì thực hiện nhiệm vụ kiến nghị chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở, đơn vị, tập thể, cá nhân trong vùng có hoạt động bơm hút, sử dụng nguồn nước ngầm. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến nguồn nước phải tuân thủ theo Luật Tài nguyên nước đã được ban hành.

Ngoài ra, bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến việc bơm hút, sử dụng nước ngầm với lưu lượng lớn, phải được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đồng thời thiết lập mạng lưới quan trắc biến động mực nước nhằm giám sát, kiểm soát mức độ hạ thấp mực nước, giảm thiểu nguy cơ sụt lún, khô hạn và ô nhiễm nguồn nước.

ThS. Nguyễn Quốc Khánh cũng đề xuất các hố sụt đất sau khi xuất hiện cần sớm được lấp lại để đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi; đồng thời giảm thiểu khả năng gây ô nhiểm nguồn nước karst. Công tác lấp hố sụt phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hạn chế tối đa khả năng thẩm thấu của nước ở phía trên xuống dưới, để hố sụt không xuất hiện trở lại.

Thu Hà
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động