Vĩnh Phúc định hướng tăng trưởng kinh tế bền vững và hiệu quả trong giai đoạn mới
Giai đoạn 2016 – 2020, việc triển khai thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp - xây dựng; chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, sản xuất nông nghiệp chuyển dịch sang ngành chăn nuôi với giá trị gia tăng cao hơn.
Vĩnh Phúc cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp (DN) nhà nước, tăng cường công tác giám sát tài chính, đánh giá theo đúng tinh thần cơ cấu lại DN nhà nước để hoạt động của khu vực này có hiệu quả hơn.
Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục định hướng mô hình tăng trưởng dựa trên tích lũy tri thức và công nghệ, chú trọng cải thiện chất lượng và năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN. |
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận, trong đó, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng nhanh trong giai đoạn 2016 - 2020. Vị thế của tỉnh trong vùng và so với cả nước ngày càng được khẳng định.
Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 123,6 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần quy mô kinh tế năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,03%/năm, cao so với bình quân cả nước trong cùng giai đoạn (6%/năm) và so với giai đoạn 2011 - 2015 là 6,1%/năm...
Riêng năm 2021, tăng trưởng của tỉnh đạt 8,02%, mức tăng trưởng rất cao so với bình quân 2,5% của cả nước.
Tăng trưởng kinh tế tốt đã tạo ra nguồn thu dồi dào cho ngân sách tỉnh; giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 293.699 tỷ đồng; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt 9,3%/năm (tăng trưởng ngân sách cả nước bình quân giai đoạn này là 4,8%/năm và bình quân của vùng là 8,4%/năm).
Xuất phát từ kết quả nguồn thu tăng đã tạo thêm nhiều dư địa sử dụng nguồn ngân sách cho các hoạt động của tỉnh.
Tác động tổng hợp của các biện pháp cơ cấu lại nền kinh tế đã tạo được sự chuyển dịch bước đầu về chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn.
Quy mô kinh tế của tỉnh tiếp tục mở rộng với xu hướng tăng trưởng ổn định, duy trì mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước và vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh KT - XH giai đoạn 2016 -2020.
Có thể thấy, giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng vốn của tỉnh đạt bình quân 11,1%/năm, gấp 1,4 lần so với tốc độ tăng trưởng vốn của cả nước trong cùng giai đoạn.
Các nguồn vốn đều tăng trưởng nhanh nhưng đáng kể nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tăng bình quân đạt 18,1%/năm, đưa Vĩnh Phúc nằm trong các tỉnh tốp đầu của vùng Đồng bằng sông Hồng trong thu hút FDI giai đoạn 2016 - 2020, trong khi tăng trưởng khu vực này của cả nước bình quân chỉ đạt 6,4%/năm.
Những đóng góp của các yếu tố trên cho thấy, mô hình tăng trưởng của tỉnh vẫn đang là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, phụ thuộc vào sự gia tăng yếu tố đầu vào và chưa tạo ra được những yếu tố nội sinh trong tăng trưởng.
Với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển bền vững, kết cấu hạ tầng KT - XH hiện đại, văn minh, Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục định hướng mô hình tăng trưởng dựa trên tích lũy tri thức và công nghệ, chú trọng cải thiện chất lượng và năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN, khuyến khích chuyển dịch sang những ngành nghề, dịch vụ đòi hỏi trình độ công nghệ, trí tuệ và mang lại giá trị gia tăng cao.
Định hướng đề ra trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách, đảm bảo thực hiện đúng Luật Ngân sách nhà nước để huy động tối đa nguồn thu, tránh thất thoát; Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn đầu tư cho các dự án lớn, ưu tiên hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng KT - XH, hạ tầng cho kinh tế số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo;Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để phân bổ, quản lý sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư Nhà nước về đầu tư công, kiên quyết khắc phục đầu tư dàn trải, phân tán.
Hoàn thiện chính sách phát huy vai trò của đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, tạo đột phá thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước trong và ngoài tỉnh theo phương thức PPP vào các công trình thiết yếu, quan trọng, có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế...