Quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Bài 1: Năng lực xử lý chất thải y tế nguy hại

24/04/2020 08:09 Quản lý nguồn thải
Theo số liệu thống kê và tính toán sơ bộ năm 2015, tổng khối lượng chất thải y tế phát sinh từ các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 6.832 kg/ ngày (2.494 tấn/ năm) trong đó 1.079 kg/ngày (394 tấn/ năm) là chất thải rắn y tế nguy hại và 5.772 kg/ ngày (2.107 tấn/năm) là chất thải thông thường. Công tác thu gom vận chuyển và xử lý còn nhiều hạn chế, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng nếu không kịp thời xử lý.
Bài 1: Tổng quan tình hình phát sinh chất thải y tế và công tác xử lý chất thải y tế trên địa bàn
bai 1 nang luc xu ly chat thai y te nguy hai

Chất thải y tế nguy hại và các chất thải y tế thông thường phải được thu gom, phân loại ngay tại nguồn phát sinh và tại thời điểm phát sinh.

Công tác thu gom, phân loại chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Hầu hết các cơ sở y tế đều thực hiện bố trí túi nilon, hộp an toàn và các xô, thùng để phục vụ công tác thu gom, phân loại. Tuy nhiên, việc bố trí túi nilon, hộp an toàn đảm bảo theo quy định còn chưa đầy đủ hoặc túi nilon, hộp an toàn chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật, tại một số cơ sở còn có hiện tượng để chất thải có tính nguy hại không đúng với dụng cụ, thiết bị thu gom theo quy định hoặc có lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường/chất thải nguy hại khác loại.

Đối với nước thải y tế, mỗi ngày, lượng nước thải từ các bệnh viện trên địa bàn tỉnh xả ra môi trường khoảng 2.258 - 4.766 m3/ngày đêm. Theo ước tính, lượng nước thải phát sinh từ các giường bệnh dao động trong khoảng 0,45 – 0,95 m3/ngày đêm: mức xả thấp nhất 0,45 m3/ngày, mức xả trung bình 0,65 m3/ngày và mức xả cao nhất 0,95 m3/ngày. Với ước tính trên, dự đoán lượng phát sinh nước thải tại các bệnh viện trong năm 2020 sẽ là khoảng 3.459 – 7.303 m3/ngày. Ngoài ra, lượng nước thải phát sinh từ các đơn vị y tế dự phòng khoảng 10m3/đơn vị/ngày. Lượng nước thải từ các Trạm y tế xã/phường và phòng khám tư nhân dưới 1m3/đơn vị/ngày.

Năng lực xử lý đối với chất thải rắn y tế nguy hại hiện nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang áp dụng đồng thời 2 mô hình xử lý chất thải rắn y tế cho các bệnh viện là mô hình xử lý tại chỗ và xử lý theo cụm. Các bệnh viện chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn để xử lý tại chỗ thì hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế để vận chuyển đến xử lý.

Mô hình xử lý chất thải rắn y tế tại chỗ trên địa bàn tỉnh hiện nay, gồm các cơ sở y tế có lò đốt chất thải như: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện đa khoa Bộ Giao thông vận tải, Bệnh viện quân đội 268, Bệnh viện Phong Điền, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở II, Bệnh viện thành phố Huế, Bệnh viện Hương Thủy, Bệnh viện Phú Vang. Lò đốt tại các cơ sở y tế này áp dụng công nghệ buồng đốt hai cấp sử dụng nhiên liệu đốt là dầu DO, riêng Bệnh viện Phú Vang sử dụng lò đốt 2 buồng với nhiệt độ đốt trên 10500C. Tuy nhiên, Hiện nay các lò đốt hoạt động trong tình trạng gây ô nhiễm không khí rất lớn, với công suất nhỏ không đáp ứng được yêu cầu xử lý chất thải rắn nguy hại phát sinh tại bệnh viện. Ngoài ra, do lò đốt gần khu dân cư nên đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh.

Hiện nay tTrên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn có mô hình xử lý chất thải rắn y tế tập trung hoặc theo cụm bệnh viện. Công ty TNHH Nhà nước MTV Môi trường và Công trình đô thị Huế đang hợp đồng thu gom, vận chuyển xử lý rác thải y tế nguy hại với 146 bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh (trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở I), khối lượng xử lý bình quân 900Kg/ngày, chiếm khoảng 83% tổng lượng rác thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Công ty đang thi công lắp đặt thêm 01 lò đốt rác Actree tại Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.

Mô hình xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung cho cả tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay vẫn chưa được thực hiện. Các bệnh viện chưa có lò đốt chất thải phải hợp đồng với Công ty môi trường đô thị để thu gom và xử lý tập trung.

Đối với nước thải y tế nguy hại, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống thu gom nước mưa tách riêng với hệ thống thu gom nước thải; nước thải sinh hoạt và nước thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn của cơ sở y tế hoặc được dẫn về xử lý tại hệ thống nước thải hoặc xả trực tiếp ra ngoài cống thoát nước chung hoặc tự ngấm xuống đất. Tại phần lớn các bệnh viện tuyến huyện không có hệ thống xử lý nước thải hoặc không đạt chuẩn hoặc xuống cấp nghiêm trọng đang gây ảnh hưởng đến môi trường sống của dân cư xung quanh (các đơn vị trên đều nằm trong khu dân cư).

Các công trình xử lý nước thải tại các cơ sở y tế (nếu có) đều áp dụng công nghệ xử lý sinh học và được khử trùng trước khi thải ra môi trường. Quá trình nâng cấp quy mô giường bệnh những năm qua và tình trạng quá tải tại các bệnh viện dẫn đến quá tải các hệ thống xử lý nước thải. Hiệu quả xử lý và chất lượng nước sau xử lý chưa được thực hiện giám sát định kỳ nên chưa đánh giá được hiệu quả và chất lượng nước sau xử lý.

Do vậy, rất cần phải chấn chỉnh hoạt động vận hành của hệ thống xử lý, thường xuyên giám sát hoạt động và các kết quả kiểm tra phân tích chất lượng nước.

“Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Trong đó, chất thải y tế nguy hại và các chất thải y tế thông thường phải được thu gom, phân loại riêng theo đúng quy định về quản lý chất thải y tế và phân loại riêng với chất thải y tế thông thường ngay tại nguồn phát sinh và tại thời điểm phát sinh.

D. Phấn
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động